Các biện pháp phòng lây nhiễm chủng cúm A/H9 từ gia cầm sang người
Theo Cục Y tế Dự phòng, việc không phát hiện ổ dịch cúm A/H9 trên gia cầm khiến công tác giám sát dịch tễ, nhận diện và khoanh vùng ổ dịch gặp khó khăn.
Trong tuần qua, vào ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người tại Tiền Giang. Hiện các đơn vị đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm virus.
Các chuyên gia của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú.
Nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm sang người
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), virus A/H9N2 đã được phát hiện ở các quần thể chim ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2 lẻ tẻ đã được báo cáo ở những người mắc bệnh đường hô hấp trên nhẹ, mặc dù một số trường hợp nhiễm trùng đã dẫn đến tử vong.
Có 9 phân nhóm virus A/H9 đã biết gồm: A/H9N1, A/H9N2, A/H9N3, A/H9N4, A/H9N5, A/H9N6, A/H9N7, A/H9N8, A/H9N9.
Tại Việt Nam, trước đây đã xác nhận lưu hành cúm A/H5N1 trên người. Với cúm A/H9N2 ở trong nước ghi nhận có ở đàn gia cầm, có thể lây sang người nhưng mới chỉ có trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người vừa công bố là ca đầu tiên.
Đối với trường hợp ca bệnh cúm A/H9 trên người đầu tiên của Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), việc không phát hiện ổ dịch cúm A/H9 trên gia cầm khiến công tác giám sát dịch tễ, nhận diện và khoanh vùng ổ dịch gặp khó khăn, điều đó có thể ảnh hưởng tới việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, do người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm có thể chủ quan cho rằng gia cầm khỏe mạnh nên không áp dụng các biện pháp dự phòng thường quy như đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay... khi tiếp xúc gần, từ đó làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Lương Tâm cho biết rất nhiều chủng virus cúm lây lan sang người, nhưng chủ yếu vẫn là H5N1, H7N9 và H9N2. Gần đây, gia tăng xuất hiện các ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 trên thế giới.
Ttheo ghi nhận của y văn thế giới, các chủng cúm gia cầm có kháng nguyên H5, H7 và H9 có thể lây sang người, trong đó chủng H5 là chủng độc lực cao thường gây ổ dịch lớn và làm chết gia cầm hàng loạt, gây triệu chứng nặng và tỉ lệ tử vong rất cao khi lây nhiễm sang người. Chủng H7 và H9 là chủng độc lực thấp thường gây bệnh nhẹ, hiếm khi gây chết hàng loạt cho gia cầm. Kết hợp với các chủng này là các phân tuýp kháng nguyên N từ 1 đến 9.
Sự kết hợp, tái tổ hợp kháng nguyên H và N có thể tạo ra nhiều loại cúm gia cầm lây nhiễm sang người. Hiện tại trên thế giới, ở một số nước virus cúm gia cầm còn được ghi nhận trên động vật là H5N1, H5N6, H5N8, H7N9, H9N2.
Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với virus cúm gia cầm có thể dẫn đến nhiễm trùng từ các triệu chứng nhẹ giống như cúm hoặc viêm mắt đến bệnh hô hấp cấp tính nặng hoặc tử vong. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào loại virus gây nhiễm trùng và đặc điểm của người nhiễm bệnh.
Năm loại virus cúm gia cầm A được biết là gây nhiễm trùng ở người là: virus H5, H6, H7, H9 và H10. Các phân nhóm được xác định thường xuyên nhất của virus cúm gia cầm A gây bệnh ở người là virus H5, H7 và H9. Cụ thể, virus A/H5N1 và A/H7N9 đã gây ra phần lớn các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A được báo cáo ở người, cùng với virus A/H5N6 và A/H9N2 cũng gây nhiễm trùng ở người trong những năm gần đây.
Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2 (bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền), trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được ghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H9N2 lây từ người sang người.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.
Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 lây từ gia súc ở nhiều bang. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng virus cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.
Vì vậy, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh thường quy khi tiếp xúc trực gần với gia cầm, khi đến những khu vực nguy cơ cao như chợ hoặc khu vực bán gia cầm và động vật sống./.