Cá nuôi lồng bè bị chết ở Hải Dương: Hướng dẫn xử lý, giảm thiểu thiệt hại

Qua kiểm tra, các chuyên gia nhận định, cá nuôi lồng bè tại tỉnh Hải Dương bị chết không phải do dịch bệnh, hậu quả của thiên tai mà do thiếu oxy hoà tan trong nước.

Anh Lê Văn Thành kiểm tra cá chết vừa được vớt lên từ lồng nuôi. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra tình trạng cá lồng bè bị chết khá nhiều, gây thiệt hại lớn đến đời sống, kinh tế của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ ngày 28/3-8/4, tại các điểm nuôi cá lồng trên địa bàn có tình trạng cá chết, ước thiệt hại gần 1.000 tấn, chiếm gần 1% sản lượng toàn tỉnh.

Cụ thể, có khoảng 400 hộ với hơn 4.000 lồng có cá chết; trong đó, khoảng 30 hộ có lượng cá chết hơn 30% sản lượng, tập trung ở xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (thành phố Hải Dương). Từ ngày 9/4 trở đi, tình trạng cá chết giảm, chỉ còn rải rác.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương Phạm Thị Đào cho biết, sau khi nhận được thông tin, Sở này đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước và yếu tố dịch tễ, mẫu bệnh phẩm của cá ở các khu vực có nhiều cá chết.

Ông Nguyễn Văn Tân cùng người nhà đang vớt cá chết tại lồng nuôi của gia đình. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Qua kiểm tra, các chuyên gia nhận định, cá lồng tại Hải Dương bị chết không phải do dịch bệnh, hậu quả của thiên tai mà do thiếu oxy hoà tan trong nước.

Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu oxy hoà tan trong nước là do thời điểm giao mùa năm nay, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ tăng đột ngột trùng với thời gian mực nước sông xuống thấp, dòng chảy chậm.

Trong khi đó, đa số các hộ nuôi cá lồng với mật độ cao, phân cá thải ra nhiều, cộng với lượng thức ăn dư thừa không được đẩy đi kịp thời do dòng chảy chậm đã phân hủy tại chỗ. Các yếu tố cộng hưởng khiến oxy hòa tan trong nước thấp.

Để phòng, chống, khắc phục tình trạng cá nuôi lồng chết và tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương đề nghị các địa phương nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình cá nuôi lồng bè trên địa bàn; hướng dẫn kịp thời việc xử lý sự cố để giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Cơ quan chức năng cùng các địa phương hướng dẫn người nuôi thực hiện biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết như khi điều kiện thời tiết, thủy văn, môi trường vùng nuôi bất lợi thì tăng cường bơm đảo nước, sục khí đủ công suất, nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan vào môi trường nước, giảm hoặc ngừng cho ăn, che chắn nắng cho lồng nuôi khi nắng nóng.

Các hộ nuôi cá lồng cần vệ sinh sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi bằng thuốc sát trùng, tạo điều kiện trao đổi nước giữa trong và ngoài lồng nuôi; vệ sinh xung quanh và bên trong khu vực lồng bè nuôi (bèo lục bình, rác thải, xác cá chết ...); thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi.

Người dân mang cá chết đi tiêu hủy. (Ảnh: Tiến Vĩnh/ TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị người dân không thả thêm cá cho đến khi tình hình cá chết được kiểm soát và các chỉ số môi trường về ngưỡng bình thường theo quy định; di chuyển, hạn chế nuôi cá lồng tại các khu vực đang ảnh hưởng nghiêm trọng của mặn như ở Hà Thanh, Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ); thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang)…

Các khu vực có nhiều lồng lấn ra dòng sông cần giảm số lồng để không ảnh hưởng tới thoát lũ của sông cũng như đảm bảo an toàn cho lồng cá vào mùa lũ.

Nhằm đảm bảo việc nuôi trồng thủy sản cho người dân, theo bà Phạm Thị Đào, các địa phương trong quy hoạch vùng huyện cần xác định cụ thể vị trí, diện tích cho nuôi trồng thủy sản; tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, thủy sản.

Những huyện, thị xã, thành phố có các tuyến sống chảy qua cần rà soát xác định vị trí vùng nuôi cá lồng trên sông, tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch các cấp để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai thực hiện; trong đó, ưu tiên phát triển vùng nuôi trồng thủy sản có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và đang sản xuất ổn định.

Để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đề nghị phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cơ quan chuyên môn cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người dân việc phòng chống nắng nóng và ứng phó với mưa bão lũ trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường quản lý nuôi thủy sản lồng bè trên sông, tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch của địa phương, không để phát sinh các lồng nuôi mới; phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nuôi cá lồng bè trên sông.

Các sở, ngành chức năng, địa phương thực hiện giải pháp để hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt, bảo vệ chất lượng môi trường nước; tăng cường phòng ngừa, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm xả nước thải theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 7.400 lồng nuôi cá, tập trung nhiều ở Nam Sách và thành phố Hải Dương.

Tính đến ngày 16/4, toàn tỉnh có 268 hộ nuôi cá lồng vay vốn tại một số ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn với dư nợ 220 tỷ đồng./.