Cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần, trong đó có 1 trường hợp tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ).
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca)…
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88%; năm 2024 týp D2 chiếm 70%. Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; Khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân; Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị…/.