Ca ngợi 'Vinh quang thầm lặng' của ngành Cơ yếu bằng ngôn ngữ nghệ thuật
Chương trình ca ngợi 'Vinh quang thầm lặng' của ngành Cơ yếu, góp phần truyền cảm hứng và tiếp lửa cho thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành.
Tối 6/9, từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, lần đầu tiên công chúng cả nước đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về ngành Cơ yếu Việt Nam thông qua chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024.”
Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh; đại diện các Đại sứ quán Nga, Cuba tại Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban tổ chức chương trình đã điểm lại lịch sử ngành Cơ yếu.
Mùa Thu lịch sử cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong buổi đầu của chính quyền non trẻ, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự-tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam đã được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khẳng định cán bộ, nhân viên, chiến sỹ cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình không chỉ phản ánh những thành tựu, cống hiến của ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt quá trình chiến đấu, trưởng thành và phát triển, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với công lao đóng góp của các thế hệ cha anh, của gần 1.000 liệt sỹ cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã để lại một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước.
Chương trình cũng mang đến những thước phim phóng sự sinh động cùng phần giao lưu giàu ý nghĩa với những nhân chứng lịch sử, chuyên gia trong ngành, từ đó làm nổi bật vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn, cho thấy bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối của những chiến sỹ cơ yếu với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu.
Trong số các khách mời giao lưu có Tiến sỹ Nguyễn Bùi Cương, Phân viện trưởng Phân viện Khoa học, Viện Khoa học Công nghệ mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, tác giả công trình nghiên cứu Mã Khối MKV, được đề xuất ban hành thành chuẩn mật mã đầu tiên của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm ít các quốc gia trên thế giới có chuẩn mật mã riêng.
Theo Tiến sỹ Cương, việc Việt Nam có chuẩn mật mã riêng như MKV mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất là giúp bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia bằng cách giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng.
Thứ hai, MKV thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử thông qua việc cung cấp giải pháp bảo mật đáng tin cậy.
Thứ ba là tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành công nghiệp an toàn thông tin trong nước, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ bảo mật "made in Vietnam."
Cuối cùng, việc sở hữu chuẩn mật mã riêng giúp nâng cao vị thế và năng lực công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút đầu tư và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao./.