Cà Mau: Sản phẩm OCOP sẵn sàng bứt phá để vươn xa, chinh phục thị trường
Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao, tuy nhiên, hiện chưa có sản phẩm OCOP nào của địa phương đạt 5 sao.
Qua hơn 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Cà Mau không chỉ phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh sẵn có mà đã hội tụ cơ bản các điều kiện để sẵn sàng bứt phá để vươn xa, chinh phục thị trường.
Đa dạng đầu ra cho sản phẩm
Ngọc Hiển là huyện cực Nam có nhiều thế mạnh về thủy sản. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, huyện đã có 21 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Các sản phẩm OCOP đều là các đặc sản, vốn là thế mạnh của địa phương, như: tôm khô, bánh phồng tôm, ba khía muối, mắm cá sơn...
Để các sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người biết đến, ngoài giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, điểm bán đặc sản, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại..., các hợp tác xã, cơ sở sản xuất còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng, thông qua các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội...
Cũng từ đây, các chủ thể không chỉ chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã mà những thông tin về sản phẩm cũng được nêu chi tiết rõ ràng để khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Theo các chủ thể, từ khi các sản phẩm OCOP được bán trên môi trường mạng, lượng tiêu thụ tăng 20-30% so với cách bán hàng truyền thống.
Điển hình như Hợp tác xã Tân Phát Lợi (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển). Để thích ứng với phương thức thương mại mới, hợp tác xã đã chủ động xây dựng website bán hàng trực tuyến cho riêng mình.
Theo ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi, đến nay, sự chủ động này đã giúp các sản phẩm OCOP của hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, thông tin sản phẩm đều được công bố rõ ràng, giúp khách hàng dù lần đầu trải nghiệm sản phẩm cũng nắm được các thông tin đầy đủ, cần thiết, qua đó họ yên tâm sử dụng.
Hiện, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 2-3 tấn sản phẩm, trong đó có gần 90% khách hàng đặt mua sản phẩm thông qua trang website.
Chị Trương Kim Loan, chủ cơ sở Giang Loan, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ sau thời gian tìm hiểu các ứng dụng bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đơn hàng của cơ sở đã tăng lên đáng kể.
"Từ đầu năm đến nay, lượng hàng bán ra đều, ổn định, tăng gấp 2-3 lần so với trước, trong đó đa phần là khách mới, đặt hàng từ tiktok, zalo, giúp cơ sở tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều chị em địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm của cơ sở được khách hàng nhận diện tốt hơn và dễ dàng liên hệ đặt mua nhiều so với trước đây," chị Kim Loan phấn khởi nói.
Chị Lê Hoài Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ngọc Hiển, cho biết để giúp người dân có kỹ năng kinh doanh số, huyện phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các đơn vị có liên quan hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, mở gian hàng và các hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Ðến nay, huyện đã hỗ trợ 9 chủ thể đưa 100% sản phẩm OCOP lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) để giới thiệu và giao dịch, mua bán. Nhiều sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng chọn và đặt mua.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Cà Mau đã có 46 sản phẩm của 17 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt đã có nhiều sản phẩm được như liên kết, phân phối cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, có 140 sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử madeincamau.com; 57 sản phẩm trên sàn Buudien.vn; 35 sản phẩm của 24 chủ thể thực hiện truy xuất nguồn gốc trên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh...
Quyết tâm nâng tầm sản phẩm
Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, hiện chưa có sản phẩm OCOP nào của địa phương đạt 5 sao.
Do đó, để tiếp tục thúc đẩy và lan tỏa việc nâng chất các sản phẩm OCOP, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao, qua đó góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương.
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã phối hợp địa phương rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng. Trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với điều kiện, năng lực của chủ thể, ngành nông nghiệp cùng địa phương tuyên truyền vận động các chủ thể đăng ký nâng hạng sản phẩm đồng thời, hướng dẫn các tiêu chí và các bước cần thực hiện để các địa phương có cơ sở lựa chọn sản phẩm tiềm năng phù hợp.
Đến nay, có 9 sản phẩm/6 chủ thể đang tích cực chuẩn bị hồ sơ, điều kiện cần thiết để nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.
Là một trong những chủ thể có sản phẩm đáp ứng yêu cầu để nâng hạng lên 5 sao, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) - Mai Sáu cho rằng việc tham gia nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao là cơ hội để sản phẩm của công ty hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, ngoài những yêu cầu chứng nhận về chất lượng đạt tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận ISO, HACCP, đủ điều kiện từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến quá trình xuất sản phẩm…
Được chứng nhận 4 sao OCOP vào năm 2023, sản phẩm nước cốt nhàu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại SK NONI (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) trong thời gian qua đã phát sinh hợp đồng kinh doanh với một số nước châu Âu, đồng thời tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đón nhận tốt.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, thương mại SK NONI Khưu Văn Chương cho biết với vùng nguyên liệu chủ động, có diện tích hơn 5ha và thu mua nhàu nguyên liệu từ các hộ dân lân cận của địa phương. Hiện nay, quy mô sản xuất của công ty đã tăng lên 100%, doanh thu cao hơn 40% so với trước đây, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu sản phẩm. Sản phẩm nước cốt nhàu đã đủ điều kiện với một số tiêu chí của 5 sao OCOP.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, chia sẻ năm 2024, quyết tâm của tỉnh sẽ phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm đạt 4-5 sao. Hiện nay, địa phương đang tập trung hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình theo kế hoạch đề ra.
Ước thực hiện đến cuối năm nay, địa phương sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3-4 sao (có ít nhất 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái/điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP), dự kiến nâng tổng số sản phẩm được công nhận trên địa bàn tỉnh đạt 168 sản phẩm; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...
Để cụ thể hóa những mục tiêu đề ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 928/QĐ-UBND ngày 9/5/2024 về phân công sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP đạt 5 sao trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025, trong đó chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện các tiêu chí đảm bảo yêu cầu về mở rộng quy mô nhà xưởng, trang bị máy máy, thiết bị sản xuất hiện đại; quy trình sản xuất tiên tiến; bao bì, mẫu mã thiết kế đẹp, khoa học, cung cấp các thông tin cần thiết sản phẩm; hoàn thiện đầy đủ các chứng nhận cần thiết theo tiêu chuẩn xuất khẩu./.