Cà Mau: Kỳ vọng từ ứng dụng số hóa trong quản lý tàu cá để chống khai thác IUU

Tỉnh Cà Mau tăng cường ứng dụng số hóa vào quản lý, tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình trên biển nhằm kịp thời ngăn chặn tàu cá ngư dân đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tàu đánh bắt thủy sản trên vùng biển Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nhằm ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp.

Một trong những giải pháp nổi bật mà hiện nay địa phương đang áp dụng là tăng cường ứng dụng số hóa vào quản lý, tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình trên biển nhằm kịp thời ngăn chặn tàu cá ngư dân đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài…

Tất cả đều với mong muốn chung tay cùng với cả nước gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển khoảng 254km và vùng biển rộng trên 80.000km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước.

Cán bộ biên phòng kiểm tra niêm phong, kẹp chì thiết bị giám sát hành trình trước khi tàu cá xuất bến đánh bắt hải sản trên biển. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Chính vì thế, Cà Mau luôn xác định việc chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh.

Để quản lý có hiệu quả một lượng tàu thuyền lớn, đồng thời truy xuất nguồn gốc thủy sản sau khai thác rõ ràng, minh bạch là điều rất khó khăn với hầu hết cả địa phương, không riêng gì Cà Mau.

Nhằm kịp thời tháo nút thắt đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau nhanh chóng triển khai số hoá với nhiều phần mềm đã được ứng dụng trong quản lý, phục vụ sản xuất, nổi bật như: Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản eCDT; Blokchain...

Ðặc biệt, gần đây ngành triển khai số hoá trong việc quản lý tàu cá nhằm chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, đã đem lại tín hiệu tích cực.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, trước đây ngành chủ yếu quản lý việc khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công, vừa mất nhiều thời gian, mà việc tổng hợp, báo cáo thiếu tính chính xác, chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, số hoá kết quả IUU nói riêng đã góp phần không chỉ giảm chi phí về giấy tờ, thủ tục báo cáo mà còn cập nhật tình trạng tàu cá một cách nhanh chóng, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, góp phần đảm bảo công tác quản lý dữ liệu tàu cá, chống khai thác IUU.

“Với ứng dụng số hoá dữ liệu IUU, địa phương có thể thống kê, cập nhật số lượng tàu cá trong tỉnh về còn hạn, hết hạn giấy phép khai thác, đăng kiểm theo danh mục, địa bàn của từng huyện, từng xã. Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá mất kết nối theo danh mục lựa chọn trong bờ, ngoài khơi... Số hoá hồ sơ, văn bản, hình ảnh, toạ độ... đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép, tàu cá nằm bờ, tàu cá sang bán trong và ngoài tỉnh, tháo thiết bị giám sát hành trình...” - ông Phan Hoàng Vũ cho biết.

Với ứng dụng này, mọi cấp độ người dùng trên ứng dụng ở các vai trò cấp tỉnh, huyện, xã tham gia quản lý, giám sát, số hoá dữ liệu tàu cá được thực hiện dễ dàng thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ và phân quyền truy cập tập trung trong ứng dụng theo chức năng của từng đơn vị từ cấp xã đến huyện, thành phố, tỉnh.

Tàu đánh bắt thủy sản từ biển trở về cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Với cách làm trên, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã thống kê, xác minh được trên 4.000 tàu cá còn hạn giấy phép khai thác, đạt 98,5%; trên 2.500 tàu cá còn đăng kiểm, đạt 84,76%; 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá.

Ngoài ra, tỉnh đã thiết kế, đưa vào sử dụng các phần mềm số hóa trên nền tảng Google Sheets để quản lý đối với tàu mất kết nối trong bờ, tàu cá nguy cơ vi phạm IUU cao, như: Hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), mất tích, sang bán nhưng chưa sang tên… Đồng thời, thống kê đầy đủ sản lượng khai thác qua các cảng và bến cá tư nhân theo quy định.

Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC trong năm 2024, cao điểm là chuẩn bị các điều kiện đón đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp chống khai thác IUU.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, cho biết hiện Sở cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện có liên quan và thành phố Cà Mau tập trung rà soát việc thực hiện số hóa dữ liệu liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Qua đó, có giải pháp khắc phục đối với những nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau có nhiều cửa biển, trong đó có cửa biển Sông Đốc với hơn 1.000 phương tiện khai thác thủy sản thường xuyên ra, vào.

Thời điểm này, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác thủy sản.

Ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết địa phương đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung quyết liệt nhiệm vụ giám sát, số hóa theo quy định. Tại khu vực cửa biển Sông Đốc, huyện chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt, phân chia thành 5 tổ, mỗi tổ 7 thành viên thực hiện việc rà soát số hóa đăng ký, đăng kiểm, tàu mất kết nối… cập nhật trên hệ thống.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền ngư dân, thuyền trưởng thực hiện nghiêm theo quy định việc đăng ký, đăng kiểm quản lý tàu cá gần và đã hết hạn đăng ký; thực hiện sang tên đổi chủ tàu cá theo quy định. Tiếp tục phối hợp với lực lượng biên phòng, cảng cá để kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá ra, vào cảng.

Qua tuyên truyền của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh hiện nay đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quá trình ra khơi hoạt động. Ông Diệp Hồng Kỳ, ngư dân Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, sau thời gian khó khăn vì thủy sản nước ta bị áp “thẻ vàng,” ý thức của ngư dân địa phương giờ đây đã được nâng lên rõ rệt, hầu hết đều cam kết không bao giờ đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Đánh bắt vùng biển trong nước có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, ra nước ngoài bị bắt, bị xử phạt xem như phá sản, rất nguy hiểm. Mình cũng hiểu đánh bắt nước ngoài cũng sẽ ảnh hưởng uy tín xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tác động trực tiếp đến đời sống ngư dân,” ông Kỳ chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Đình Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; giám sát, truyền thông trên biển, vừa túc trực 24/24h kiểm tra, theo dõi tại trung tâm giám sát nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để các vụ vi phạm về khai thác IUU.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức ngư dân trong khai thác hải sản đúng quy định. Phối hợp với các địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ đối với những tàu mất kết nối, đảm bảo xử lý kịp thời theo quy định.

Tỉnh Cà Mau xác định việc khẩn trương khắc phục tồn đọng, chuẩn bị chu đáo nội dung, kế hoạch đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần này không chỉ thể hiện quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, mà còn hướng tới mục tiêu lâu dài về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trên vùng biển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ đây là nhiệm vụ dài hơi, phải có sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, liên tục từ các ngành, các cấp, lực lượng chức năng. Trọng tâm là nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống khai thác IUU, vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam và vì sinh kế lâu dài của ngư dân.

Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Vì lẽ đó, “thẻ vàng” của EC không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền của ngành thủy sản nói chung, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu ngư dân và người lao động có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tỉnh Cà Mau kỳ vọng, bằng quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của ngư dân trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, địa phương sẽ cùng cả nước gỡ bỏ thành công cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam ngay trong năm 2024.

Qua đó, tiến đến hội nhập quốc tế, phát triển nghề cá bền vững, đảm bảo sinh kế cho ngư dân Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới./.