Cả ba chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ đều lập mức cao chưa từng có

Cả ba chỉ số chính đều lập mức cao chưa từng có sau báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn, bởi số liệu mới về lạm phát làm tăng triển vọng Fed cắt giảm lãi suất.

Hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua, khi tâm lý các nhà đầu tư là chờ đợi những chỉ số lạm phát quan trọng và báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn.

Đà tăng ấn tượng phiên cuối tuần đã giúp chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 40.000 điểm và đưa cả ba chỉ số chính ghi nhận tuần đi lên.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 17/5, chỉ số Dow Jones tăng 134,21 điểm (tương đương 0,34%) lên 40.003,59 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số công nghiệp Dow Jones khép phiên trên mốc 40.000 điểm.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 nhích 6,17 điểm (tương đương 0,12%) lên 5.303,27 điểm.

Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ nhẹ 12,35 điểm (tương đương 0,07%), xuống còn 16.685,97 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,24%, đánh dấu 5 tuần leo dốc liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,54% và 2,11%, đánh dấu chuỗi tuần tăng điểm dài nhất kể từ tháng 2/2024.

Trước đó, sau diễn biến trái chiều của phiên giao dịch đầu tuần (ngày 13/5), các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc trong phiên liền sau đó.

Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq kết thúc phiên này ở mức cao kỷ lục khi các nhà đầu tư phớt lờ dữ liệu cho thấy lạm phát bán buôn tháng 4/2024 của Mỹ vượt kỳ vọng thị trường.

Hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phố Wall tiếp tục thăng hoa trong phiên 15/5, khi báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Tư vừa qua đứng ở mức 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tương ứng của tháng Ba.

Cả ba chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ đều lập mức cao chưa từng có sau báo cáo này, bởi số liệu mới về lạm phát làm tăng triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Chiến lược gia Sam Stovall của tổ chức nghiên cứu CFRA Researchn cho biết các báo cáo mới đây đều đánh đi tín hiệu về đà tăng trưởng kinh tế, sự hạ nhiệt của lạm phát cũng như triển vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách Fed hiện vẫn chưa công khai thay đổi quan điểm về thời điểm cắt giảm lãi suất dù Mỹ công bố số liệu kinh tế tích cực trong tuần này.

Bình luận từ các quan chức Fed đã thừa nhận sự chuyển biến tích cực của số liệu kinh tế trong tuần này khi giá tiêu dùng tăng chậm hơn dự kiến trong tháng Tư.

Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin, cho rằng Fed đang đi đúng hướng, khi lạm phát đang giảm xuống. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững, vẫn cần thêm một khoảng thời gian.

Còn Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, đánh giá tiến bộ về lạm phát trong năm nay là "đáng thất vọng," thậm chí nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn bắt đầu tăng, Fed có thể cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa.

Bà Mester nhấn mạnh việc Fed giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,5% kể từ tháng Bảy năm ngoái là hợp lý.

Tuy nhiên, thị trường không duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 16/5, trước khi trở lại mạnh mẽ trong phiên cuối tuần này.

Các cổ phiếu Walmart và Caterpillar đều tăng giá 1%, dẫn đầu chỉ số Dow Jones. Giá cổ phiếu Chubb và Valero Energy lần lượt tiến hơn 3% và 4%, là những cổ phiếu tăng mạnh nhất thuộc S&P 500.

Các nhà giao dịch nhận thấy 68% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng Chín tới.

Theo Fed, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định nhưng tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay bất động sản thương mại và tiêu dùng đang gia tăng vượt các mức trước đại dịch COVID-19.

Lĩnh vực bất động sản thương mại (CRE), bao gồm văn phòng, đã gặp khó khăn kể từ đại dịch, khi hình thức làm việc từ xa được áp dụng rộng rãi.

Lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng lãi suất và duy trì ở mức cao nhất trong 23 năm của Fed, làm tăng chi phí vay cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, các rủi ro đối với các công ty cho vay thế chấp phi ngân hàng có thể khuếch đại các cú sốc trên thị trường vay thế chấp và làm suy yếu sự ổn định tài chính.

Mặc dù một số nhà đầu tư lo ngại về độ bền vững của đợt phục hồi hiện nay, các chuyên gia phân tích tin rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát giảm tốc là chất xúc tác hoàn hảo cho thị trường.

Đà tăng trong tuần này đã giúp đẩy ba chỉ số chính của Phố Wall vào vùng tích cực trong quý 2, mặc dù đã có khởi đầu quý đầy khó khăn. S&P 500 và Nasdaq Composite hiện đều tăng hơn 11% kể từ đầu năm 2024, trong khi Dow Jones tăng hơn 6% từ đầu năm đến nay./.