Buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng: Nguy cơ 'vô hiệu hóa' lệnh cấm
Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhập lậu vẫn còn nằm ngoài vòng pháp luật, nên chế tài xử lý tội phạm buôn lậu mặt hàng này “nhẹ” hơn nhiều so với thuốc lá điếu.
Tại phiên họp thứ 3 của Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Chống buôn lậu thuốc lá (MOP3) tháng 2/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố: Buôn lậu chiếm khoảng 11% tổng giá trị thương mại thuốc lá toàn cầu, việc loại bỏ buôn lậu có thể làm tăng doanh thu thuế toàn cầu khoảng 47,4 tỷ USD/ năm.
Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng nhập lậu cũng đang ngày càng phổ biến. Ước tính tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cách đây 4 năm là 1% (khoảng 280.000 người). Đến nay, con số này đã tăng lên đáng kể, gióng lên hồi chuông báo động cho các nhà quản lý.
Bất chấp nghiêm lệnh, tỷ lệ buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn tăng tại nhiều quốc gia
Từ 1/2/2018, Singapore đã áp dụng lệnh cấm toàn bộ thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên khắp lãnh thổ. Tuy nhiên sau 6 năm cấm các sản phẩm này, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Singapore ngày càng tăng, mặc dù mức phạt cũng tăng theo từng vụ truy tố.
Trong suốt thời gian trên, theo số liệu từ năm 2018-2022, 860 người bị bắt vì buôn lậu thuốc lá điện tử, 145 người bị truy tố. Ba năm tiếp theo từ 2020-2022, số người bị bắt vì sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp 4 lần, từ 1.266 người lên đến 4.961 người năm. Năm 2022, hơn 2.600 bài đăng liên quan thuốc lá điện tử đã bị các cơ quan chính phủ truy quét và mạnh tay xóa khỏi các nền tảng trực tuyến Singapore.
Luật nghiêm, hình phạt nặng nhưng chưa làm cho tỷ lệ buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng suy giảm. Tháng 2/2023, cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) đã bắt giữ lô hàng nhập lậu hàng chục nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử. Dù khung hình phạt lên tới 10.000 đôla Singapore (gần 200 triệu đồng) và 6 tháng tù giam.
Tại Thái Lan, một trong số các quốc gia áp đặt lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tương tự Singapore, Hiệp hội Thương mại Thuốc lá Thái Lan (TTTA) cho biết thuốc lá điện tử nhập lậu ở nước này được bán rộng rãi trên mạng xã hội Twitter và Facebook. Việc cấm thuốc lá điện tử cũng không giúp giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm ở giới trẻ. Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Quản lý Kiến thức và Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá, 1/3 số sinh viên đại học Thái Lan muốn dùng thử thuốc lá điện tử.
Cục Hải quan Thái Lan tổng kết, từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, 68.706 sản phẩm, tinh dầu và phụ kiện thuốc lá điện tử đã bị tịch thu, với tổng trị giá 15.557.842 baht (gần 11 tỷ VND). Hầu hết nguồn hàng nhập lậu vào Thái Lan đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo xác nhận của Hải quan Trung Quốc, thiết bị và tinh dầu thuốc lá điện tử trị giá trên 45 triệu USD (khoảng 1100 tỷ VND) đã được xuất khẩu sang Thái Lan trong năm 2023.
Có thể thấy, kết quả chung cho lệnh cấm tại các quốc gia này chính là chính phủ mất đi cơ hội kiểm soát chất lượng, nguồn thu thuế và lợi ích sức khỏe cộng đồng.
“Zero buôn lậu” là không thể, chỉ có thể ngăn bằng biện pháp quản lý
Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá lậu chiếm hơn 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng/năm. Mặt hàng này đang trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận ở thị trường nội địa lẫn vùng biên do "né" được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng & 1,5% quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đặc biệt thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhập lậu vẫn còn nằm ngoài vòng pháp luật, nên chế tài xử lý tội phạm buôn lậu mặt hàng này “nhẹ” hơn nhiều so với thuốc lá điếu.
Nhấn mạnh tính phổ biến, nghiêm trọng của tình trạng này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp - ông Lê Đại Hải cho biết, các loại thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đã xuất hiện nhiều năm nay trên thị trường qua đường "xách tay."
Tại một hội thảo năm 2023, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi. Song, điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang bị tội phạm buôn lậu lợi dụng để hướng đến giới trẻ.
Theo các chuyên gia, việc cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử có thể dẫn đến một số hệ lụy khác. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc sử dụng thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhập lậu khiến Nhà nước không thu được thuế, người dân phải sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.
Trong khi đó, sản phẩm thuốc lá điện tử trá hình chứa chất cấm thì lại được tội phạm buôn lậu tự do quảng cáo thổi phồng, câu dẫn giới trẻ.
Do vậy, đại diện nhiều bộ ngành cho rằng việc kiểm soát có định hướng các mặt hàng này sẽ là cơ sở pháp lý giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, xử lý các hành vi buôn lậu, tạo sự yên tâm cho xã hội cũng như nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại thuốc lá của quốc gia./.