Bức tranh nông thôn mới bừng sáng ở vùng quê lúa Thái Bình

Hệ thống đèn điện trên các tuyến đường nông thôn Thái Bình khiến khắp các vùng quê bừng sáng, tạo động lực để bà con nhân dân thêm hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

Tuyến đường tại xã Hà Giang, huyện Đông Hưng được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, tạo điều kiện để người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Cùng với những con đường bêtông, đường nhựa trục xã, trục thôn, những ánh điện tới từng tuyến đường nhánh đến các hộ gia đình đã khiến diện mạo bức tranh nông thôn mới tỉnh Thái Bình thêm nhiều đổi khác.

Đó là dấu ấn của ba năm thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” được tỉnh tích cực triển khai, góp phần đưa nông thôn thực sự trở thành những miền quê đáng sống.

Với 3.000 hộ, gần 10.000 nhân khẩu, 53% dân số là đồng bào Công giáo, từ năm 2022, người dân xã Vân Trường (huyện Tiền Hải) đã được hưởng lợi từ hệ thống đường điện chiếu sáng từ đường trục xã, trục thôn đến đường nhánh.

Thay vì nỗi lo khó khăn đi lại mỗi khi trời tối, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự, giờ đây nhiều tuyến đường đã được bừng sáng, tạo điều kiện để bà con nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Quang Tân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Trường cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về chương trình “Thắp sáng đường quê,” ngay từ khi chưa nhận được chính sách hỗ trợ của cấp trên, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân cơ bản lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường với tổng số gần 20km đường trục xã, trục thôn được thắp sáng.

Hiện các địa phương đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho gần 986km, trong đó có trên 101km hệ thống đèn điện năng lượng mặt trời; trên 884km hệ thống đèn chiếu sáng điện lưới. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước, cây bóng mát và hệ thống đường điện thắp sáng trên địa bàn xã được đảm bảo, nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, xã Vân Trường sớm hoàn thành tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 1/2023.

Ông Nguyễn Văn Toàn, thôn Bác Trạch Đông, xã Vân Trường chia sẻ, từ ngày lắp đặt công trình “Thắp sáng đường quê” về đây, nhân dân rất phấn khởi. Việc đi lại vào buổi tối đối với người dân địa phương thuận tiện hơn, đường sá, quang cảnh khang trang hơn nhiều.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, chương trình “Thắp sáng đường quê” có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân gắn với tiêu chí điện sáng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, mà còn tạo ra môi trường sống an toàn và thân thiện.

Thống kê trên địa bàn tỉnh, các tuyến đường trục xã, trục thôn, nhánh cấp 1 trục thôn có nhu cầu lắp đặt điện chiếu sáng là 6.618km. Thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê,” đến nay các xã đã hoàn thành trên 5.954km (đạt 89,97%) hệ thống điện chiếu sáng khép kín các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường trong khu dân cư; trong đó chủ yếu là đường do nhân dân tự làm chiếm gần 5.000km.

Để thực hiện chương trình ý nghĩa này, tháng 10/2021 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện "Thắp sáng đường quê" trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thực hiện thí điểm 10 xã/huyện và một xã tại thành phố Thái Bình, mục tiêu trước năm 2025 sẽ hoàn thành thắp sáng toàn bộ các tuyến đường qua khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.

Hiện các địa phương đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho gần 986km, trong đó có trên 101km hệ thống đèn điện năng lượng mặt trời; trên 884km hệ thống đèn chiếu sáng điện lưới. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống đèn điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời loại liền bóng, phụ kiện gá lắp đèn, dây đai thép không gỉ, khóa đai với mức hỗ trợ 50% giá trị thiết bị, phụ kiện theo giá trị quyết toán danh mục công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/1km đường lắp đèn chiếu sáng.

Phần kinh phí còn lại do người dân tự đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác hoặc do ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ. Trong đó ưu tiên những xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ trước.

Năm 2022 tỉnh ban hành Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND trong đó bên cạnh hỗ trợ lắp đặt đèn điện chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời, tỉnh Thái Bình thực hiện hỗ trợ lắp đặt đèn điện chiếu sáng bằng điện lưới. Đồng thời nâng mức hỗ trợ từ tối đa không quá 12 triệu lên tối đa không quá 20 triệu/km đối với tuyến đường trục thôn, nhánh cấp 1 trục thôn; không quá 25 triệu đồng/km đối với tuyến đường trục xã, liên xã, đường tỉnh, đường huyện, quốc lộ.

Lực lượng thanh niên tích cực tham gia, thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Những Nghị quyết này đã giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Thái Bình có 205 xã đăng ký hỗ trợ theo Nghị quyết 25 và Nghị quyết 08 với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ trên 27 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã lắp đặt được gần 986km (trong đó có 37 xã đã lắp đặt được trên 101km hệ thống đèn điện năng lượng mặt trời; 168 xã lắp đặt được 884km hệ thống đèn chiếu sáng điện lưới), Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ trên 14 tỷ đồng.

Trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 663km đường chưa lắp đặt điện sáng cơ bản là những đoạn đường ngoài khu dân cư.

Thời gian tới các địa phương tiếp tục rà soát, đăng ký danh mục các tuyến đường chưa thực hiện đề nghị hỗ trợ lắp đặt, đồng thời nghiên cứu giải pháp để thực hiện chính sách hỗ trợ hiệu quả cũng như huy động các nguồn lực để hoàn thiện các tuyến đường chưa lắp đặt và tu bổ những hệ thống đường điện cũ, xuống cấp, đảm bảo hiệu quả thiết thực từ chương trình “Thắp sáng đường quê”./.