'Bức tranh chung giáo dục đại học Việt Nam là nghèo về cơ sở vật chất'
Muốn phát triển thì phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng điều này lại vướng một điểm nghẽn khác là tài chính.
Bức tranh chung của giáo dục đại học Việt Nam, cả trong và ngoài công lập, là đều nghèo về cơ sở vật chất, vì thế, khó để phát triển nghiên cứu đỉnh cao.
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ với hàng trăm các cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước chiều ngày 15/8, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Điểm nghẽn của giáo dục đại học
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết có hơn 200 ý kiến gửi tới Bộ trưởng, trong đó ý kiến của giảng viên là 144 ý kiến, chiếm tỷ lệ 62,0%; nhân viên trường học là 51 ý kiến, chiếm 22,2%, còn lại là cán bộ quản lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các ý kiến đã nêu ra điểm nghẽn ở các trường đại học về thể chế, cơ sở vật chất, hạ tầng.
Bộ trưởng nhận định bức tranh chung của hệ thống đại học trên cả nước, cả công và tư đều cơ bản còn khá nghèo nàn về cơ sở vật chất. Hai đại học quốc gia được đầu tư nhưng vẫn còn dang dở. Đại học Sư phạm Hà Nội gần đây mới được đầu tư nhưng không đủ bù phần xuống cấp. Theo Bộ trưởng, với cơ sở vật chất hiện nay không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu đỉnh cao. Vì thế, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm ở các trường đại học.
Khẳng định muốn phát triển thì phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng điều này lại vướng một điểm nghẽn khác là tài chính. Mới đây, Chính phủ đã quyết định tiếp tục tạm dừng tăng học phí đại học, các trường chia sẻ với khó khăn của người dân, nhưng cũng là thách thức với các đơn vị đào tạo.
[Sẽ thành lập thêm đại học vùng, sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm]
Cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để đảm bảo chất lượng hoạt động nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng điều này rất khó.
“Cần có một chương trình quốc gia về hạ tầng hiện đại cho các trường đại học. Bên cạnh đó, lực lượng nhà giáo, lực lượng khoa học cũng cần phát huy trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ,” Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng tiếp tục là một điểm nghẽn khác của giáo dục đại học khi nguồn thu từ lĩnh vực này theo công bố của các trường là rất thấp.
Tiến sỹ Đinh Minh Hằng, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mỗi giảng viên của trường được đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/năm để nghiên cứu khoa học - một con số khá khiêm tốn.
“Mong Bộ trưởng cho biết, thời gian tới bộ sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học", cô Đinh Minh Hằng nói
Khẳng định nghiên cứu khoa học và vấn đề quan trọng của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho hay năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Cũng theo Bộ trưởng, chi phí của nhà nước cho vấn đề này là có hạn, các trường cần hướng đến nguồn thu từ đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
"So với 10 năm trước, giáo dục đại học có bước phát triển dài. Song, so với yêu cầu của đất nước, tốc độ phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu không cùng nhau tháo gỡ điểm nghẽn thì chúng ta sẽ khó khăn để đạt đến đỉnh cao của chất lượng đào tạo," Bộ trưởng nói.
Công bằng trường công-tư
Ghi nhận việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học như khen thưởng các giảng viên có bài báo xuất bản trên các tạp chí uy tín của thế giới, nhưng tiến sỹ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết chính sách này không được áp dụng cho các trường đại học tư thục. Vì vậy, ông Hiển bày tỏ mong Bộ trưởng quan tâm thêm để khích lệ tinh thần của giảng viên các trường tư thục đồng thời có cơ chế để các nhà giáo ở trường tư thục được công nhận là giảng viên chính.
Cùng chia sẻ nỗi “chạnh lòng” của trường tư, Giáo sư Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho hay hệ thống các trường ngoài công lập còn gặp khó khăn nhiều, lớn nhất là đầu tư cơ sở vật chất. Về chính sách tài chính, tài trợ, thi đua khen thương, vinh danh nhà giáo.... có phần thiệt thòi so với các trường công lập.
Theo đó, Giáo sư Phạm Thành Huy kiến nghị với Bộ trưởng và mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định luôn đánh giá cao hệ thống các trường ngoài công lập, ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập. Với trường khối khoa học, công nghệ, được thành lập và đầu tư của các doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng mong với tiềm lực tốt về cơ sở vật chất, các trường tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai để sớm trở thành cơ sở giáo dục có ảnh hưởng quốc tế.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên với khối ngoài công lập, kể cả với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục đại học; trong đó có chính sách quan trọng là ưu tiên về đất đai, mặt bằng, địa điểm.
Việc thi đua khen thưởng vẫn thực hiện bình thường với khối ngoài công lập. Về cơ chế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, hiện bộ có Đề án 89, đào tạo trình độ tiến sỹ cho các cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. “Điều này cũng thể hiện quan điểm, sự nhìn nhận bình đẳng giữa hai nhóm trường này,” Bộ trưởng nói./.