Brazil sẽ nỗ lực đến cùng để G20 đạt đồng thuận về khí hậu và tài chính
Brazil đang vấp phải sự phản đối từ một số nền kinh tế về các vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự, đặc biệt là việc áp thuế đối với tầng lớp siêu giàu.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Chính phủ Brazil ngày 17/11 đã bày tỏ quan ngại về việc một số thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang phản đối những vấn đề đã được thống nhất ở hội nghị cấp bộ trưởng về biến đổi khí hậu và thuế đối với giới siêu giàu.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cho biết trong tuyên bố dự kiến được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh G20 (diễn ra vào ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro), nước chủ nhà Brazil đang vấp phải sự phản đối từ một số nền kinh tế về các vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự, đặc biệt là việc áp thuế đối với tầng lớp siêu giàu.
Tuy không nêu đích danh các thành viên phản đối, nhưng bà Silva đã đề cập đến những báo cáo cho thấy Argentina là quốc gia khiến các thỏa thuận trở nên khó khăn nhất, do quan điểm cứng rắn của Tổng thống cực hữu Javier Milei.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng bất chấp sự phản đối, Chính phủ Brazil sẵn sàng “làm việc đến phút cuối cùng” để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước G20.
Bộ trưởng Silva cũng cho biết dưới sự chủ trì của Brazil, trong năm qua, G20 đã đạt được nhiều tiến bộ và đồng thuận quan trọng, ít nhất là ở cấp bộ trưởng, về các vấn đề như cải cách các ngân hàng phát triển đa phương, tài trợ cho việc giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu và thậm chí đề cập đến việc người giàu phải đóng góp thuế công bằng hơn.
Trong các cuộc họp cấp bộ trưởng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, các nền kinh tế thành viên đã đạt được sự đồng thuận về việc mở rộng các dòng tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng khí hậu, bao gồm việc tăng cường vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương.
Các quốc gia cũng đã cam kết tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đến năm 2030 và thúc đẩy chuyển đổi sinh thái thông qua các công cụ kinh tế bền vững như kinh tế sinh học và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm./.