Bóng bay bơm hydro – “quả bom” nguy hiểm trong ngày khai giảng
Năm năm sau lá thư "xin đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng" của em Nguyệt Linh, một lần nữa vấn đề thả bỏng bay trong ngày khai trường lại được đặt ra sau vụ nổ khiến 10 học sinh bị bỏng.
Vụ việc 10 học sinh Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phải nhập viện ngay trong ngày khai giảng vì nổ bóng bay bơm khí hydro đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “quả bom” sắc màu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.
Theo báo cáo ban đầu, nhà trường sử dụng chùm bóng bay để trang trí trong lễ khai giảng. Trong khi các phụ huynh và học sinh đang tháo bóng bay thì một giáo viên hút thuốc đi ngang qua đã làm chùm bóng bay phát nổ. Vụ việc khiến khoảng chục em học sinh bị bỏng phải nhập viện điều trị.
Trong nhiều năm trở lại đây, trang trí bằng bóng bay và thả bóng bay lên trời đã trở thành cách được nhiều trường học trên cả nước sử dụng để làm tăng không khí tưng bừng của ngày khai giảng, chào đón năm học mới với nhiều niềm vui, nhiều mơ ước.
Với màu sắc sặc sỡ, bóng bay cũng là trò chơi được các em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, do khí hydro là khí độc, dễ cháy, nên nếu vô tình bị nổ, khí bị nén trong bóng bay sẽ gây nổ rất mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bỏng, đặc biệt là trong không gian trường học tập trung nhiều trẻ em.
Trước đó, đã có rất nhiều vụ việc bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro. Năm 2022, một học sinh ở Tuyên Quang bị bỏng mặt và tay vì nổ bóng bay bơm hydro khi đang trang trí bóng.
Năm 2019, ba cầu thủ U14 của đội Sông Lam Nghệ An cũng bị bỏng vì kéo chùm bóng bơm hydro để che nắng trong khi một bảo vệ bất ngờ dùng bật lửa khiến chùm bóng bay phát nổ. Cũng trong năm 2019, bốn người đàn ông ở Quảng Ninh bị bỏng do cùng gỡ rối một chùm bóng bay bơm khí hydro.
[Lễ khai giảng đặc biệt không bóng bay ở trường Marie Curie]
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng, việc sử dụng bóng bay còn gây ô nhiễm môi trường do khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.
Tháng 7/2019, em Nguyễn Nguyệt Linh, khi đó đang là học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 của Trường Marie Curie Hà Nội đã viết thư gửi đến 40 hiệu trưởng trên địa bàn Thủ đô với mong muốn “xin đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng”. Trong thư, Nguyệt Linh cho biết em đã tìm hiểu và biết khi thả bóng lên trời, chim và các loài động vật khác có thể nuốt vào, chặn đường ruột đến chết đói.
"Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì các chú rùa biển, các loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt và chết", em viết.
Vì vậy, em tha thiết mong các trường có thể đừng thả bóng bay hoặc thả với số lượng hạn chế để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật.
Lá thư của Nguyệt Linh đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Nhiều hiệu trưởng đã lên tiếng cho biết sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng.
Trong ngày khai giảng năm nay, vụ việc tại Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa lại một lần nữa cho thấy tác hại của bóng bay, cả trước mắt và lâu dài, với chính các em học sinh và môi trường sống.
Nhưng không chỉ trong ngày khai trường, việc sử dụng bóng bay, thả bóng bay đang ngày càng trở nên phổ biến, như một thói quen trong nhiều hoạt động như lễ khai trương, động thổ, thậm chí các buổi lễ mang tính tôn giáo, cầu nguyện, tâm linh.
Vì thế, nói như Nguyệt Linh, “xin đừng thả bóng bay", nhưng có lẽ không chỉ "trong ngày khai giảng” mà trong tất cả mọi ngày./.