Bộ Y tế: Biến thể JN.1 vẫn gia tăng, tiếp tục lấy mẫu giải trình tự gene
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục giải trình tự gene phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh đồng thời tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, hiện biến thể JN.1 của COVID-19 đã phát hiện nhiều ca mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục giải trình tự gene phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh đồng thời tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19.
Tiếp tục lấy mẫu, giải trình tự gene
Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I năm 2024 diễn ra ngày 2/2, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại một số khu vực trên thế giới đang trong mùa Đông với thời tiết giá lạnh, gió mùa là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp lây lan. Số mắc COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ghi nhận gia tăng trong thời gian vừa qua và nhiều trường hợp phải nhập viện.
Ông Tâm cho biết biến thể JN.1 đã phát hiện ở các trường hợp mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là bệnh nền, tuổi già, người trẻ triệu chứng nhẹ.
Biến thể JN.1 là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron, đã gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực thời gian gần đây.
Ông Tâm phân tích: "Biến thể JN.1 được đánh giá có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch, tuy nhiên theo WHO hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu."
Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tiếp tục khuyến cáo triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Bộ Y tế đề nghị các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gene của các trường hợp mắc bệnh COVID-19 trong tình trạng nặng để phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh.
Các đơn vị y tế và các địa phương tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...
Thách thức do gánh nặng bệnh tật kép
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết năm 2023 toàn ngành đã tiếp tục giữ vững thành quả phòng, chống dịch, ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi; hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường; công tác hoàn thiện thể chế đuợc chú trọng; đảm bảo chính sách bảo hiểm y tế cho nguời dân. Thời gian qua, lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở từng bước đuợc nâng cao năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, mũi nhọn đã đuợc cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, năm 2024, ngành y tế vẫn sẽ phải đối mặt với các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép với sự gia tăng tỷ trọng các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghệ hóa, toàn cầu hóa, hành vi lối sống... Do đó, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo đối với ngành y tế.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi thời tiết cực đoan, đến cơ sở y tế khi có diễn biến sức khỏe bất thường…/.