Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen: Kinh tế Mỹ có thể mạnh hơn dự đoán

Bộ trưởng Yellen cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 có thể được điều chỉnh cao hơn sau khi bổ sung thêm dữ liệu và lạm phát sẽ giảm xuống mức bình thường hơn.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 25/4 tuyên bố tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể mạnh hơn so với những dự đoán dựa trên dữ liệu về sản lượng quý đầu tiên yếu hơn so với dự kiến, đồng thời cho biết chính quyền Biden đang để ngỏ tất cả các lựa chọn để ứng phó với các rủi ro từ năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, bà Yellen cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 1 có thể được điều chỉnh cao hơn sau khi bổ sung thêm dữ liệu và lạm phát sẽ giảm xuống mức bình thường hơn sau khi một loạt yếu tố "đặc biệt" khiến nền kinh tế nước này ở mức yếu nhất trong gần 2 năm. Bà khẳng định “nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động rất tốt."

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 25/4, trong quý I/2024, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần hai năm, do nhập khẩu tăng vọt để đáp ứng chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ khiến gia tăng thâm hụt thương mại. Cùng với đó, lạm phát tăng cao tiếp tục củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9.

GDP của Mỹ đã tăng trưởng 1,6% trong quý 1, thấp hơn nhiều mức trung bình được các nhà kinh tế dự báo trước đó là 2,4%, trong khi tốc độ tăng trưởng của quý 4/2023 là 3,4%.

Lạm phát cũng gia tăng, với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm lương thực và năng lượng dễ biến động, tăng ở mức 3,7% trong quý 1, sau khi tăng 2,0% trong quý 4/2023. Lạm phát tăng trong quý đầu tiên là do lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ tăng 5,1%, gần gấp đôi tốc độ của quý trước đó.

Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 2,5%, chậm lại so với tốc độ 3,3% được ghi nhận trong quý 4/2023. Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng ở mức 35,4 tỷ USD, sau khi tăng 54,9 tỷ USD trong quý trước đó. Thâm hụt thương mại đã góp phần giảm 0,86% từ tăng trưởng GDP quý 1/2024.

Không tính đến hàng tồn kho, chi tiêu và thương mại của chính phủ, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3,1% trong quý 1/2024, sau khi tăng 3,3% trong quý trước đó.

Các số liệu trên thể hiện sự mất đà đáng chú ý vào đầu năm 2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi kết thúc một năm 2023 mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Với việc lạm phát gia tăng cao, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể phải đối mặt với áp lực mới trong việc tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Còn theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 25/4, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của nước này đã bất ngờ giảm vào tuần trước, cho thấy điều kiện thị trường lao động vẫn còn thắt chặt.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 20/4 đã giảm 5.000 đơn, xuống còn 207.000 đơn, thấp hơn mức các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo là 215.000 đơn.

Người dân tham gia hội chợ việc làm tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau tuần thất nghiệp đầu tiên, một đại diện cho tình hình tuyển dụng, đã giảm 15.000 đơn, xuống còn 1,781 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 13/4. Điều này cho thấy một số lao động đã dễ dàng tìm được việc làm mới sau khi bị sa thải. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 3,8% trong tháng 3/2024, từ mức 3,9% của tháng 2.

Các doanh nghiệp ở Mỹ vẫn giữ xu hướng tích trữ nhân công sau khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động trong và sau đại dịch COVID-19. Tỷ lệ sa thải thấp đang thúc đẩy tăng trưởng tiền lương, giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng, vốn chiếm hơn 66% hoạt động của nền kinh tế Mỹ.

Thị trường lao động vẫn thắt chặt, trong khi báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng cao trong quý 1, khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 9./.