Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc chuẩn bị gặp người đồng cấp Nhật Bản

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa bộ trưởng tài chính Hàn Quốc và Nhật Bản sau gần 7 năm và là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng này.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho và người đồng cấp Nhật Bản, Shunichi Suzuki, chụp ảnh chung sau cuộc gặp tại Washington, Mỹ ngày 13/4. (Nguồn: Yonhap)

Theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết ông sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Shunichi Suzuki vào tháng Năm tới.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa bộ trưởng tài chính Hàn Quốc và Nhật Bản sau gần 7 năm và là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng này.

Kế hoạch hội đàm trên đã được hai bộ trưởng nhất trí tại Washington (Mỹ) khi tham dự Hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

[Nhật-Hàn đạt tiến triển trong giải quyết vấn đề lao động thời chiến]

Phát biểu tại một cuộc họp với các nhà báo Hàn Quốc ngày 13/4 vừa qua, Bộ trưởng Choo cho biết: “Vì lãnh đạo hai nước đã khởi động thời điểm bước ngoặt cho hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh, chúng ta cần bắt đầu các cuộc tham vấn cấp làm việc trong từng lĩnh vực, và cần mở rộng quan hệ hợp tác với Bộ Tài chính Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.”

Theo kế hoạch, hai bộ trưởng sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn ra tại Songdo, Incheon (Hàn Quốc), từ ngày 2-5/5 tới.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa bộ trưởng tài chính hai nước kể từ tháng 8/2016, khi Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho gặp người đồng cấp Nhật Bản Taro Aso.

Quan hệ Nhật-Hàn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các tranh cãi liên quan đến lịch sử. Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh nhằm cải thiện quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng - từ việc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến đến việc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)