Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các ngành sản xuất sẽ phải làm chủ về nguyên liệu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tới đây tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam (trong đó có ngành dệt may, da giày) đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu.
Liên quan đến thông tin đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc ngành công nghiệp dệt may, da giày chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu, dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tới đây tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam (trong đó có ngành công nghiệp dệt may, da giày) đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu.
Chủ động hơn về nguồn nguyên liệu
Nêu ý kiến tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, diễn ra chiều nay, 4/6, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết hiện nay, ngành công nghiệp dệt may, da giày chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu.
Thực tế, theo đại biểu Phạm Văn Hòa thì ngành công nghiệp trên đang lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, giá trị gia tăng không được cải thiện, chi phí trên các lĩnh vực tăng nên giá thành sản phẩm tăng theo; từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam về ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như việc làm của người lao động.
Do đó, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nguyên nhân và hướng xử lý tình trạng trên.
Trả lời nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sản phẩm của ngành dệt may, da giày trong khoảng 10 năm qua luôn chiếm tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu lớn trong các hàng xuất khẩu của Việt Nam đồng thời đóng góp cho tăng trưởng giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động…
Để phát triển bền vững, trong thời gian tới, tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam đều phải đặt mục tiêu làm chủ nhiều hơn về việc cung ứng nguyên liệu.
Theo Bộ Công thương, trong lĩnh vực công thương có 4 quy hoạch ngành quốc gia (gồm quy hoạch về năng lượng, điện, xăng dầu khí đốt quốc gia và quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản...) sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu sản xuất là rất lớn, đồng thời đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách địa phương.
“Vì vậy, trong tương lai, tất cả các ngành sản xuất khác phải khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ bằng cách khai thác các tài nguyên tại chỗ; từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm xuất khẩu, chứ không chỉ tạo ra giá trị gia công như hiện nay,” ông Diên nói thêm.
Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững
Về hoạt động xuất khẩu, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho hay các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước cũng như tình hình xung đột diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững.
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các hiệp định mà Việt Nam là thành viên để khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với các diễn biến thực tế và kinh nghiệm quốc tế.; hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp để tạo nguồn hàng chất lượng cao, ổn định, giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI.
“Đặc biệt là những doanh nghiệp lớn kết nối chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước phát triển,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Người đứng đầu ngành công thương cũng cho biết đối với vấn đề các doanh nghiệp bị khởi kiện trong thời gian vừa qua, cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác khởi kiện là 247 vụ.
“Nguyên nhân là do chúng ta tận dụng lợi thế của các hiệp định tự do để mở rộng xuất khẩu; việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến nước ta trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chia sẻ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công thương đã chủ động phối với với các bộ, ngành, địa phương, ngành hàng, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại.
Đóng góp thêm ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết về vấn đề xuất nhập khẩu, lãnh đạo cơ quan này đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện hải quan thông minh, hải quan điện tử; đẩy mạnh thanh toán điện tử, kết nối trao đổi thông tin với 19 ngân hàng thương mại, nộp thuế qua điện tử và tham gia vào thực hiện phòng, chống buôn lậu cũng như thông quan một cách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp./.