Bộ trưởng Công Thương: Đồng bộ từ quy hoạch để thúc đẩy đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành.
Thị trường khó khăn, tiêu thụ nhiều mặt hàng chủ lực suy giảm... đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước quý đầu năm.
Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Tiêu thụ giảm tạo áp lực lên các ngành sản xuất
Thông tin tại hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Kiên Giang cho hay do khó khăn chung của thị trường, xuất khẩu trong quý 1 của Kiên Giang giảm khoảng 16%, trong đó nhiều mặt hàng chủ lực như: Gạo, nước mắm, ximăng, clanke… cùng đi xuống.
Trước dự báo tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, giá cước vận tải và xăng dầu còn ở mức cao, ông cho rằng những yếu tố trên có thể ảnh hưởng tới giá đầu vào và sản xuất gạo. Hơn nữa, nguyên liệu đầu vào đánh bắt thủy sản ngày càng khan hiếm, dẫn đến thiếu cục bộ nguyên liệu xuất khẩu, trong khi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang có xu hướng giảm đơn hàng về nhập khẩu da giày…
[Công nghiệp chế biến, chế tạo mất vai trò dẫn dắt tăng trưởng ở quý 1]
Để tháo gỡ các điểm nghẽn này, ông kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ địa phương tận dụng tối đa các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đồng thời các tham tán thương mại tăng cường cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, cùng đó phối hợp tháo gỡ khó khăn về giá cước vận tải biển, qua đó thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng.
Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hướng tới giá đầu vào sản xuất nên các doanh nghiệp của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
“Dù không ảnh hưởng nhiều như một số đô thị lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Dương song một số doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giờ làm, giảm số công nhân do đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn,” ông cho hay.
Trước việc một số thị trường truyền thống bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ giảm, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương cần hộ trợ địa phương tận dụng phát triển thị trường nhất là các thị trường có FTA để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chia sẻ do khó khăn từ nhiều ngành sản xuất công nghiệp dẫn tới chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 15,93% trong quý đầu năm.
Cho rằng giá nhiên liệu đầu vào ở mức cao, đại diện tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ Công Thương có các giải pháp hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp, cùng đó tháo gỡ khó khăn trong việc bàn giao các công trình điện cho ngành điện quản lý, qua đó sớm đầu tư các dự án này.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Thủ đô đang tập trung thực hiện theo cam kết của hội nghị COP26 về cắt giảm khí CO2, do đó thành phố đã xây dựng lộ trình thực hiện các quy định theo cam kết này.
Dự kiến đến năm 2034, Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ hệ thống xe bus sang sử dụng năng lượng tái tạo, còn với taxi, thành phố cũng vận động, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển đổi, song để thực hiện thành công, thành phố rất cần hạ tầng cho các lĩnh vực trên.
“Bộ Công Thương sớm có nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành hệ thống pháp lý để thực hiện chuyển đổi được nhanh chóng,” ông Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất.
Cần đồng bộ từ quy hoạch
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong quý đầu năm, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Tính trong quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ còn nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dù các nước đã mở cửa lại nền kinh tế hậu dịch COVID-19 để phục hồi song tổng cầu giảm, trong khi nguồn cung tăng khiến thị trường rất khó khăn, cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu ngày càng lớn.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan, theo ông Diên là việc chậm công bố các quy hoạch, kể cả quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh, do vậy theo Luật quy hoạch nếu chưa công bố được quy hoạch thì việc triển khai các dự án trên địa bàn sẽ rất khó khăn.
“Có thể khẳng định chậm công bố quy hoạch là một cản trở lớn cho việc chậm triển khai các dự án đầu tư và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng,” ông nói.
Nguyên nhân tiếp theo là tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp và địa phương có vùng trồng, vùng nuôi vẫn chưa cao, nên rất khó cho xuất khẩu chính ngạch. Dẫn ví dụ từ việc đầu ra mặt hàng nông thủy sản khó khăn thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nếu không đạt được tiêu chuẩn thị trường thì rất khó thực hiện.
Hơn nữa, với 17 hiệp định thương mại tự do với gần 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và gần 6 tỷ người tiêu dùng và ưu đãi rất cao về thuế… nhưng không dễ gì khai thác vì sản phẩm của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn của những thị trường đã ký kết.
Gần nhất là thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm trái cây của Việt Nam rất lớn, song vẫn không vào được do nhiều mặt hàng chất lượng không đạt, không ổn định.
Mặt khác thói quen tiêu thụ qua tiểu ngạch để thay đổi vô cùng khó, trong khi Trung Quốc hiện đã là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do đó phía bạn cũng đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm rất cao, do đó các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn sẽ rất khó thực hiện.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành Quốc gia.
Song song với đó, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn, đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án (nhất là doanh nghiệp, dự án lớn) trên địa bàn.
Cùng với đó, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách Quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư-nhất là vốn dân doanh.
- Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm (%):
Để tận dụng được thị trường nước ngoài, ông lưu ý các địa phương và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngay từ trong khâu quy hoạch, tổ chức lại sản xuất để “bán ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải bán những sản phẩm mình có,” cũng như tuân thủ các tín hiệu thị trường nhằm mang lại giá trị cho địa phương.
Ông Diên đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công Thương căn cứ các kiến nghị của địa phương tham mưu cho lãnh đạo bộ chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, những kiến nghị vượt thẩm quyền, bộ sẽ báo các Chính phủ, các bộ ngành liên quan để có giải pháp kịp thời.
Chia sẻ thêm, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết thông qua hội nghị này, Cục công nghiệp địa phương sẽ tổng hợp những khó khăn của khu vực sản xuất và thị trường để có những giải pháp thúc đẩy mạnh hơn thời gian tới, qua đó tiếp tục khôi phục được đà sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu cũng như thị trường trong nước thời gian tới./.