Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo các đơn vị cần bám sát tình hình của các doanh nghiệp để có báo cáo, tham mưu kịp thời Lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ các giải pháp phù hợp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban. (Nguồn: Bộ Tài Chính)

Ngày 5/4, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban công tác quý 1/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách tài khóa dựa trên sức khỏe doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, quý 1/2023, GDP toàn quốc đã giảm sâu; lãi suất cơ bản, huy động trái phiếu doanh nghiệp đều tăng... Điều này cho thấy tình hình thời gian tới còn rất khó khăn và sẽ tác động đến chính sách tài khóa. Tài chính có mặt ở mọi ngóc ngách đời sống, không chỉ là tài chính nhà nước mà còn là tài chính dân cư, nên khi nền kinh tế gặp khó khăn, thì ngành tài chính sẽ hứng chịu tác động lớn.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị như thuế, hải quan cần bám sát tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để có phương án tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa.

Đối với cơ quan thuế, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử; thu trên sàn thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng...

[Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ]

Về phía Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý nghiêm cán bộ hải quan, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, phiền hà sách nhiễu của cán bộ công chức hải quan. Cùng với đó, sớm trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho các sân bay, cảng biển để đảm bảo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng giao Tổng cục Hải quan phải tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu gian lận thương mại; theo dõi sát số kim ngạch xuất nhập khẩu để kịp thời tham mưu cho Bộ, Chính phủ có những quyết sách...

Tại hội nghị, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% (tương ứng giảm 23,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% (tương ứng giảm 10,71 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022 và trị giá nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 12,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Hoàng Việt Cường, trong 3 tháng đầu năm 2023 có một số mặt hàng nhập khẩu giảm sâu như nguyên liệu, máy móc, phụ tùng phục vụ sản xuất. Điều này ảnh hưởng lớn đến số thu của ngành hải quan. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan tính đến hết tháng 3 là 91.267 tỷ đồng, đạt 21,5% dự toán, giảm 17% (tương đương 17.780 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Hoàng Việt Cường cho biết, đây là mức giảm lớn trong nhiều năm qua, dự báo thời gian tới, tình hình còn khó khăn hơn nữa. Thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt gỡ khó trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan sẽ có kiến nghị cụ thể với từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong thực thi công vụ...

Về phía Tổng cục Thuế, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 3 do ngành thuế quản lý đạt 110.114 tỷ đồng, đạt 31,1% dự toán. Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thu ngân sách có xu hướng sụt giảm trong tháng này, số thu tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1.

Dự báo trong thời gian tới, thu ngân sách nhà nước sẽ còn khó khăn hơn, do đó ngành thuế sẽ chủ động rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn từng địa phương để giao nhiệm vụ thu phấn đấu năm 2023 cho các đơn vị quản lý thu, đảm bảo sát với thực tế phát sinh.

Đồng thời, toàn ngành thuế sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách khi Chính phủ ban hành. Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước.../.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)