Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nhiều vấn đề trong quyết toán ngân sách

Vấn đề chuyển nguồn lớn, dự toán không sát thực tế, nợ xây dựng cơ bản… là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tập trung giải trình trong phiên làm việc sáng nay. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình một số vấn đề liên quan tới nội dung Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay, 7/6, tiếp tục phiên làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trực tiếp giải trình một số vấn đề liên quan tới nội dung Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Đáng chú ý, Bộ trưởng đã làm rõ các vấn đề đại biểu nêu về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022, vấn đề chuyển nguồn lớn, dự toán không sát thực tế, nợ xây dựng cơ bản…

Chi ngân sách cho các địa phương thế nào?

Về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, Bộ trưởng cho biết, tại Kỳ họp tháng 10/2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán.

Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ Tài chính căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch.

Về vấn đề chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng cho biết chuyển nguồn ngân sách năm 2022 sang năm 2023 đã thực hiện cải cách tiền lương là 432.350 tỷ, tức là chiếm 37,7%; chi đầu tư phát triển là 313.165 tỷ đồng, chiếm 27,3%; số chi chuyển nguồn và chi tăng thu tiết kiệm chi là 287.374 tỷ đồng, chiếm 25%; các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 là 20.397 tỷ, chiếm 1,8%; kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nhà nước là 9.986 tỷ đồng, chiếm 0,87%; kinh phí nghiên cứu khoa học 4.160 tỷ đồng và các kinh phí mua sắm thiết bị…

Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cho biết đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi.

Lũy kế 5 tháng, thoái vốn Nhà nước tại 4 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn 139 tỷ đồng, đã thu về 149,2 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: TXVN)

Đối với các khoản chi thấp như chi đầu tư, Bộ trưởng cho biết do quy trình triển khai thủ tục đầu tư, từ đầu năm, các khoản chi đầu năm thường ở mức thấp, nhưng những tháng cuối năm thì con số thường tăng cao.

Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng cho rằng những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nên tăng trưởng thấp, nhưng vào quý III năm 2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt lên 13,67%, nên đến cuối năm, tăng trưởng đạt 8,02%. Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó thu ngân sách cũng tăng lên.

Vấn đề chi ngân sách cho các địa phương, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách trung ương chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Với các tuyến đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng được Bộ Tài chính phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải.

Những tuyến đường nào Bộ Giao thông vận tải phân cấp về cho tỉnh thì Bộ Tài chính phân bổ lại cho các tỉnh để sửa chữa, còn những tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi của Bộ Giao thông vận tải thì Bộ Tài chính chuyển nguồn cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện kiểm soát và chi tiêu.

Quy định pháp luật hiện nay là như vậy, còn nếu phân cấp các tuyến đường cho các tỉnh và đường quốc lộ đi qua thì các tỉnh có thể làm việc với Bộ Giao thông để có phân cấp quản lý nguồn và sau đấy chuyển thông tin văn bản cho Bộ Tài chính để được phân bổ ngân sách và chủ động trong vấn đề đảm bảo trì, sửa chữa một cách kịp thời và chi tiêu từ ngân sách địa phương.

Trả nợ của Chính phủ năm 2024 khoảng 453.990 tỷ đồng. Trong đó, danh mục trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 395.874 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 58.116 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Vì sao nợ xây dựng cơ bản, đầu tư công?

Về vấn đề nợ xây dựng cơ bản, đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cơ quan này tổng hợp các khoản nợ từ các bộ, ngành và các địa phương. “Qua số liệu chúng tôi thấy nợ ở các bộ, ngành trung ương rất ít nhưng ở các địa phương, đặc biệt từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện thì nợ nhiều,” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng, lý do đầu tiên bởi khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khoản để thanh toán cho các dự án lại bố trí thiếu, hoặc chưa bố trí, nên hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp phải kiểm soát vấn đề này. Lý do thứ hai, có những dự án có thủ tục đầu tư thiếu sót cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư hay tổng mức đầu tư nhưng đầu tư công kịp thời nên ngân sách địa phương cũng không bố trí kịp.

Lý do thứ ba, các công trình dù đã hoàn thành nhưng chưa gửi đến ủy ban nhân dân các cấp để xác định đó là khoản nợ, hay những công trình quyết toán đã hoàn thành phê duyệt quyết toán nhưng chưa được đề xuất bố trí vào đầu tư công trung hạn đương nhiên cũng không được bố trí vào kế hoạch đầu tư công hằng năm, dẫn đến Ủy ban nhân dân các cấp sẽ chưa cấp cho chủ đầu tư, và đây cũng trở thành khoản nợ.

“Bộ Tài chính đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện, các chủ đầu tư rà soát lại các khoản này và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm đầy đủ để thanh toán cho doanh nghiệp, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp,” Bộ trưởng nói.

Quốc hội làm việc trong phiên họp sáng nay, 7/6. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến điều hành ngân sách địa phương, trong đó có việc cho phép sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ quan cấp xã trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính không cân đối vào ngân sách, mà khoản này được để lại 100% cho tỉnh để đầu tư các công trình giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, khi lập dự toán đầu tư hàng năm, Bộ Tài chính sẽ tập hợp các khoản chi để cân đối hỗ trợ về cho ngân sách tỉnh, chi cho các công trình hạ tầng. Như vậy khoản chi này để bố trí cho các công trình hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương là phù hợp.

“Việc đầu tư xây dựng các trụ sở cấp xã không phải là nhiệm vụ của ngân sách trung ương, nhưng ngân sách trung ương sẽ cấp một cách gián tiếp thông qua tỉnh để tỉnh cấp cho các địa phương và các địa phương có trách nhiệm bố trí và quản lý các khoản chi đó,” Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định./.