Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm việc với tỉnh Hưng Yên

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút có chọn lọc các dự án lớn, các dự án công nghệ cao, xanh.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy chuyển đổi số là đột phá cho sự phát triển, tập trung theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; tập trung đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các dự án kết nối giao thông.

Đây là chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Đoàn công tác Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, diễn ra vào chiều 1/3.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút có chọn lọc các dự án lớn, các dự án công nghệ cao, xanh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024, nhất là giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm, nhất là dành nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế.

Tỉnh cần chú trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, quan tâm đào tạo nghề.

Qua ba lần làm việc trực tiếp của Đoàn công tác với tỉnh, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định, tỷ lệ giải quyết kiến nghị của địa phương tương đối cao. Tuy nhiên, một số kết quả giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành phần nào vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, mong muốn của tỉnh.

Đối với những kiến nghị chưa giải quyết triệt để, các bộ, ngành nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với phương châm "đi đến tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề."

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cần chủ động trao đổi, tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành theo từng vấn đề cụ thể để được hướng dẫn và thống nhất giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng, với truyền thống anh hùng, cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn chia sẻ về một số vấn đề, như khó khăn trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế vùng bãi trong quy hoạch chung của tỉnh; cho phép tỉnh tự chủ trong việc điều tiết sử dụng quỹ lương; đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đối với các đề xuất của tỉnh về Khu Công nghiệp Thổ Hoàng và Khu công nghiệp số 03; nghiên cứu việc cắt giảm biên chế cho khối giáo viên của Hưng Yên…

Các thành viên của Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tập trung trao đổi những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các vấn đề về: Giao chỉ tiêu biên chế công chức cho tỉnh để bố trí thay thế cho đội ngũ viên chức làm công tác thanh tra của Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng bị cắt giảm năm 2021; về chỉ tiêu cắt giảm số lượng đơn vị sự nghiệp và quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập; việc phân cấp cho địa phương chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha trong hạn mức chuyển đổi đất lúa để thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; điều chỉnh một số nội dung về quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình…

Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cảm ơn Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Hưng Yên, đồng thời, kiến nghị một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành.

Trong đó, tập trung vào vấn đề tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; giải quyết vướng mắc về nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án; tạo điều kiện về đề xuất của tỉnh về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng bãi trong quy hoạch chung của tỉnh.

Sau hai tháng tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2024, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Hưng Yên đã có một số chuyển biến tích cực.

Về kinh tế, hai tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động sôi nổi; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi ấn tượng và tăng trưởng nhanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm ước đạt trên 5.500 tỷ đồng, tăng gần 16%; kim ngạch xuất khẩu đạt 783 triệu USD, tăng trên 6%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu ngân sách đạt 7.532 tỷ đồng, đạt gần 23% dự toán giao.

Về đầu tư công, tính đến ngày 23/2, toàn tỉnh Hưng Yên đã giải ngân được 665,7 tỷ đồng, đạt 3,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, việc giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả cao…

Các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, việc giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả cao…

Tỉnh đã tăng cường làm tốt việc quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đến nay vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tiến độ triển khai dự án trọng điểm còn chậm.../.