Bộ Tài chính lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về quản lý đất đai

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế, để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, trong đó có những nội dung đổi mới liên quan đến chính sách tài chính về đất đai. (Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN)

Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, trong đó có những nội dung đổi mới liên quan đến chính sách tài chính về đất đai. Theo đó, ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai và giao Bộ Tài chính có chủ trì xây dựng Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết dự thảo Nghị định đã hoàn thành. Tuy nhiên, chính sách tài chính đất đai là chính sách khó và tác động trên diện rộng cần thiết phải trực tiếp lấy kiến về dự thảo Nghị định. Về quản lý Nhà nước, chính sách tài chính đất đai vừa là công cụ để điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước, vừa là công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, dự thảo Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản nội dung dựa trên ba nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất là bám sát những nội dung tài chính về đất đai mà Luật Đất đai trực tiếp giao cho Chính phủ quy định hoặc hướng dẫn.

Thứ hai là tổng hợp vướng mắc trên thực tiễn trong thời gian vừa qua để quy định xử lý trong Nghị định, song bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ ba là kế thừa những quy định của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đang thực hiện ổn định, phù hợp.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, cho biết trong thời gian qua, chính sách tài chính về đất đai của Việt Nam đã được rà soát để xây dựng và sửa đổi, bổ sung và ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, bao quát quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng, khai thác đối với đất đai, bất động sản. Về cơ bản, cơ sở pháp lý đã được đảm bảo để thực hiện việc quản lý Nhà, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước nước đồng thời hạn chế được việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, thất thoát tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước.

Nhờ đó, nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm và tạo nguồn lực cho địa phương phát triển, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách Nhà nước (Cụ thể: năm 2023 chiếm 7,86% tổng thu ngân sách Nhà nước, năm 2022 là 17% tổng thu ngân sách Nhà nước).

Song trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ông Thịnh nhấn mạnh lĩnh vực chính sách tài chính về đất đai cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, Thịnh cho hay Cục Quản lý Công sản đang tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định với chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước nhưng không trái với thông lệ quốc tế nhất để trình Chính phủ xem xét ban hành vào thời gian sớm nhất.

Theo ban soạn thảo, dự thảo Nghị định gồm có 5 Chương, 54 Điều, trên cơ sở ghép 2 chính sách về thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất vào một Nghị định. Nội dung cốt lõi là đảm bảo hiệu quả của chính sách ưu đãi của Nhà nước.