Bộ GTVT đưa loạt giải pháp gỡ khó cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025
Ngoài việc “chọn mặt gửi vàng” các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra các giải pháp gỡ khó về nguồn vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng.
Đến ngày 1/1/2023, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 tại 12 gói thầu ở các tỉnh, thành nơi dự án đi qua, trong đó có sự kết nối trực tuyến giữa các điểm cầu.
Loại bỏ nhà thầu yếu kém
Tại buổi họp báo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 28/12, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11/1/2022 đến nay, trong vòng chưa đầy 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vào ngày 1/1/2023.
Thứ trưởng Huy cho hay lễ khởi công lần này sẽ được triển khai đồng loạt với 12 điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi. Hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
“Cách thức tổ chức này cũng là chủ trương mới thực hiện đúng phương châm đổi tư duy, cách làm nhằm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian sớm nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII,” ông Huy nói.
Đặc biệt, vào ngày 31/12 tới đây, cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn cũng sẽ được thông xe, đưa vào khai thác. Với 3 dự án cao tốc còn lại (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết), với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của nhà thầu, tư vấn giám sát, các Ban quản lý dự án, đến 31/12 cũng sẽ cơ bản đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật, tiến tới hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào ngày 30/4/2023.
[Nhà thầu chậm tiến độ cao tốc Bắc-Nam sẽ không được tham gia dự án mới]
Nhấn mạnh các Ban quản lý dự án sẽ sàng lọc, “chọn mặt gửi vàng” nhà thầu đủ điều kiện tham gia thi công cao tốc giai đoạn 2, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng cho rằng để xác định được nhà thầu nào là mạnh hay đủ năng lực, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, cắn cứ hướng dẫn Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 15 của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hàng loạt các “hàng rào” về năng lực tài chính, năng lực hành nghề thi công (nhà thầu phải từng thực hiện các hợp đồng dự án có giá trị bằng 50% giá trị gói thầu đang xét)…
Liên quan đến giải pháp tối ưu cho việc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, ông Tiến cho biết, với sự nỗ lực rất cao cua toàn bộ hệ thống chính trị, từ tháng Sáu đến nay, các địa phương đã bàn giao được 70% mặt bằng thi công cao tốc Bắc-Nam.
“Với sự quyết liệt như hiện nay, yêu cầu giải phóng mặt bằng sẽ được đáp ứng bởi các địa phương đã xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Bộ Giao thông Vận tải đã nhận diện được vấn đề vướng mắc và rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn vừa qua thì sẽ có được phương pháp tháo gỡ,” ông Tiến nhấn mạnh.
Gỡ tận gốc nguồn vật liệu và “bão giá”
Khẳng định không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng được vào dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, ông Tiến lý giải điều này được quy định Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nếu nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong bước đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu từ 3-5 năm.
Liên quan đến việc nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 4 dự án cao tốc được triển khai, gồm đoạn Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Mỹ An-Cao Lãnh. Tính toán cho thấy, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án này khoảng 47 triệu m3.
Qua nghiên cứu, khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải, nguồn cát đắp không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung chủ yếu ở 4 địa phương có nguồn cát cơ bản đáp ứng yêu cầu gồm An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
[Bộ GTVT đề xuất giải pháp gỡ khó nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam]
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cho dự án, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác tối đa 50% đồng thời các nhà thầu thi công sẽ được giao mỏ vật liệu trực tiếp.
Theo đánh giá ban đầu của đơn vị tư vấn, nguồn cát biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đáp ứng nhu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Cơ quan chuyên môn đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn đối với môi trường xung quanh.
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với một đoạn tuyến thuộc dự án thành phần Hậu Giang-Cà Mau. Sau khi quan trắc đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thủ tục cấp mỏ cho các đơn vị khai thác.
“Căn cứ tình hình thực tế, nếu thuận lợi, cuối năm 2023, cơ quan chuyên môn mới đánh giá được kết quả nghiên cứu cát biển. Thời gian trước mắt, mục tiêu của Cính phủ và Bộ Giao thông Vận tải là sử dụng nguồn cát sống từ 4 địa phương có nguồn cát dồi dào để đảm bảo tiến độ dự án,” ông Minh khẳng định.
Đề cập đến giải pháp trong điều chỉnh giá nguồn vật liệu giải quyết cho các nhà thầu và rút kinh nghiệm giai đoạn 1 cao tốc Bắc-Nam, theo ông Tiến, hiện, các dự án cao tốc đều căn cứ quy định Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về điều chỉnh giá hợp đồng, áp dụng điều chỉnh giá cho vật liệu có biến động giá lớn như sắt, thép, xi măng, nhựa đường, đảm bảo bù đăp biến động giá so với thực tế.
“Biến động giá lớn, xem xét điều chỉnh giá bù trừ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Trước đây công thức điều chỉnh giá được tính cho cả hợp đồng nay đã chia nhóm và hiện nay nếu càng chia nhỏ công thức càng gắn với thực tế, sẽ giải quyết được biến động giá,” vị Phó Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng bổ sung thêm./.