Bộ GT-VT: Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông
Ủy ban An toàn giao thông cần hình thành nền tảng tổng thể số để giải quyết bài toán về an toàn toàn giao thông đồng thời các cơ quan đơn vị có những đóng góp về dữ liệu và chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông phải hình thành nền tảng số để giải quyết bài toán tổng thể về an toàn toàn giao thông. Trên cơ sở đó, các cơ quan và đơn vị có những đóng góp về dữ liệu và chia sẻ.
Chia sẻ dữ liệu để xây dựng nền tảng số
Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác an toàn giao thông” do Ủy ban An toàn giao thông tổ chức vào sáng 26/12, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành chương trình chuyển đổi số tầm nhìn 2030 hướng đến đổi mới sáng tạo ứng dụng dữ dữ liệu công nghệ số để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông.
“Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; ứng dụng dữ liệu sâu rộng trong quản lý về an toàn giao thông, hình thành 4 cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nghiên cứu về an toàn giao thông,” ông Tùng nói.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung số hóa dữ liệu thống kê hiện trạng kết cấu hạ tầng, bảo trì hạ tầng và ứng dụng công nghệ dự đoán bảo trì kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn giao thông như hoàn thành quản lý gần 25.000km mặt đường bộ, gần 7.354 cầu đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay. Riêng lĩnh vực hàng không và hàng hải dự kiến đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ hoàn thành.
Với dự án cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đang có 21 dự án, trong đó 9 đoạn tuyến năm 2017-2020 và 12 đoạn năm 2021-2025 và trong thiết kế sẽ triển khai đồng loạt giao thông thông minh (ITS) về quản lý điều hành giao thông. Bộ dự kiến hình thành trung tâm điều hành giao thông cho cao tốc và quốc lộ để kết nối với giao thông đô thị nhằm cung cấp tình hình giao thông từ khu vực ngoại ô đi vào đô thị.
Đánh giá thông tin quản lý dữ liệu phương tiện rời rạc từ đăng kiểm, đăng ký xe, xử phạt… ông Tùng cho hay mỗi một phương tiện cần định danh lại và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả.
[Người dân nên vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để khai báo đăng ký xe]
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành số hóa 1.750 phương tiện hàng hải; 1,6 triệu phương tiện đường bộ; 264 máy bay; 235.000 phương tiện thủy nội địa…; số hóa 11.000 tuyến vận tải cố định có đầy đủ thông tin về loại phương tiện, đơn vị, người điều khiển xe. Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an về đăng ký xe trực tuyến, thu thuế điện tử, thông quan hàng hóa…
Với người điều khiển phương tiện, cơ quan chức năng cũng đang số hóa quản lý từ khâu đào tạo sát hạch lái xe, cấp đổi bằng lái xe. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang kết nối với cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe lái xe (Bộ Y tế), xử phạt vi phạm (Bộ Công an) nên thời gian tới việc cấp đổi lái xe rất thuận tiện bởi theo thống kê mỗi năm có khoảng 2 triệu bằng lái xe cấp, đổi.
“Để tiến tới định danh thống nhất về dữ liệu, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu với nhau; trong đó vai trò của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông là phải hình thành nền tảng số để giải quyết bài toán về an toàn toàn giao thông đồng thời các cơ quan, đơn vị có những đóng góp về dữ liệu và chia sẻ,” ông Tùng nhấn mạnh.
Sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết ngành công an đã chuyển đổi số cơ bản đến các lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đăng ký xe (có cơ sở dữ liệu từ năm 1998 và hiện triển khai xuống hơn 7.000 xã đồng thời kết nối với đăng kiểm, hải quan để đối chiếu), xử lý vi phạm (trích xuất qua hình ảnh) và tai nạn giao thông đã triển khai tới công an cấp huyện.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã đưa 37 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đến nay tỷ lệ thực hiện khoảng 60%. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ công an cấp xã, huyện nhằm hình thành kho dữ liệu gửi về bộ để sẵn sàng chia sẻ với các cơ quan khác.
Tuy nhiên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông thừa nhận việc sử dụng liên thông dữ liệu các bộ, ngành còn thiếu như đăng kiểm, công tác thuế còn chậm với đăng ký xe; cán bộ chiến sỹ chưa quen với phương thức làm trực tuyến và vẫn làm thủ công nên còn yếu kém.
Đề cập đến thống kê tai nạn giao thông, ông Hà Thái Sơn, chuyên viên Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại rất rõ chi tiết nạn nhân tai nạn giao thông như người lái xe, hành khách, người đi trên xe, người lên xuống xe… Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ nước ta chỉ quy định có người điều khiển xe, người sử dụng xe khi có tai nạn giao thông xảy ra.
Vì thế, ông Sơn đề xuất Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng hệ thống thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông dựa vào bệnh viện theo phân loại của WHO, trong đó áp dụng hệ thống phân loại phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ có chuyển đổi sang bảng mã chi tiết; thống kê cụ thể, nạn nhân, phương tiện của nạn nhân và phương tiện va chạm, tình trạng liên quan đến rượu bia; tiến hành nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do tai nạn giao thông.
[Vì sao người dân vẫn chưa mặn mà đổi bằng lái xe trực tuyến?]
Ngoài việc liên thông giấy khám sức khỏe người cấp đổi giấy phép lái xe, dự kiến quý 1/2023 sẽ triển khai toàn quốc, ông Sơn thông tin thêm Bộ Y tế sẽ đào tạo nhân viên bệnh viện về mã hóa thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông và gắn mã hóa đầy đủ thông tin tai nạn giao thông với thanh toán bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở này, đại diện các cơ quan tham gia hội thảo đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông trong đó cụ thể đưa ra lộ trình, trách nhiệm của các đơn vị tham gia; cơ quan Nhà nước mở dữ liệu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn giao thông./.