Bộ GD-ĐT quán triệt “4 Đúng - 3 Không” trong tổ chức thi Tốt nghiệp THPT 2024
Khẳng định tính chất quan trọng của của kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả các đơn vị tham gia công tác thi tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Ban chỉ đạo thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 tiếp tục quán triệt tinh thần “4 Đúng - 3 Không” trong quá trình tổ chức kỳ thi, gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường; Không lơ là, chủ quan; Không căng cứng, áp lực thái quá; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 vừa được Bộ tổ chức hôm nay, 12/4, tại Thừa Thiên Huế.
Không lơ là, chủ quan
Hội nghị có sự tham dự của hơn 400 đại biểu gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Bộ Công an, PA03 công an 63 tỉnh/thành phố; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác khảo thí của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo…
Khẳng định tính chất quan trọng của của kỳ thi và bất cứ sai sót nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả các đơn vị tham gia công tác thi tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước hết phải làm tốt công tác chỉ đạo. Từ cấp Trung ương là Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo cần kịp thời thành lập bộ máy, hoàn thiện hệ thống văn bản, chỉ đạo sâu sát, toàn diện.
Kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thầy cô giáo tham gia rất lớn, số lượng thí sinh hàng triệu em, ngành giáo dục cần sự phối hợp của ngành công an, quân đội, thanh tra, y tế, giao thông,…. Để công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, việc phân công nhiệm vụ phải rõ chức trách nhiệm vụ, rõ sản phẩm, rõ thời gian. Thành viên trong Ban chỉ đạo đại diện các sở, ngành cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh lưu ý về công tác chuẩn bị phải chu đáo kỹ lưỡng vì càng kỹ lưỡng, càng chu đáo bao nhiêu thì khi tổ chức thực hiện càng thuận lợi và hiệu quả cao bấy nhiêu. Theo đó, tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn và học quy chế, thuộc rõ chức trách nhiệm vụ để không một cán bộ nào không học quy chế, lơ là trong thực hiện. Thực hiện tốt khâu kiểm tra sớm để kịp thời phát hiện các vấn đề và xử lý, rút kinh nghiệm chung. Bên cạnh đó cần dự báo tình huống bất thường có thể xảy ra và biện pháp sẵn sàng xử lý tình huống.
Lựa chọn kỹ lưỡng con người
Về công tác chuẩn bị nhân lực, Thứ trưởng cho rằng đây là khâu hết sức quan trọng quyết định đến thành bại của kỳ thi. Các đơn vị cần rút kinh nghiệm, bài học từ những năm trước, lựa chọn kỹ lưỡng về con người và phải vận hành nhịp nhàng, thử nghiệm trong khâu chuẩn bị.
Đối với công tác chuyên môn nghiệp vụ, theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm cho thấy, mọi sai sót xảy ra đều do không nghiêm túc, thực hiện không đúng quy chế, bỏ qua quy trình, vì thế, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế, đúng hướng dẫn trong mọi khâu, mọi sự thay đổi khi thực hiện phải có quyết định của Ban chỉ đạo…
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các đơn vị cần chủ động và kịp thời trong công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu về kỳ thi, đồng thuận trong thực hiện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo Cục A03, A05 Bộ Công an trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Đại diện Bộ Công an cũng hướng dẫn phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi; chia sẻ cách làm hay của các địa phương qua hơn 70 đợt tập huấn vừa qua để không chỉ thí sinh, phụ huynh mà toàn xã hội nâng cao nhận thức chấp hành quy chế, góp phần nâng cao tính chủ động trong việc phòng ngừa vi phạm, tạo sự ổn định cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Hội nghị cũng dành nhiều thời lượng để ghi nhận tham luận, trao đổi, kiến nghị của đại diện các sở giáo dục và đào tạo về quy chế, hướng dẫn, công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi./.