Bộ GD-ĐT: Học sinh phải tự học kiến thức lớp 10 khi chọn lại môn

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành khẳng định các nhà trường không có trách nhiệm phải tổ chức lớp để dạy lại kiến thức lớp 10 cho học sinh muốn đổi môn lựa chọn. Các em phải tự học.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Xung quanh những băn khoăn của một số nhà trưởng về việc học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ở lớp 10, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Học sinh phải chủ động tự học

Thưa ông, năm nay là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được triển khai ở bậc trung học. Việc lựa chọn môn, chuyên đề học tập được thực hiện ngay từ đầu năm lớp 10. Tuy nhiên, có trường hợp học sinh sau một thời gian học có nhu cầu đổi môn lựa chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn như thế nào về vấn đề này?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Mặc dù khi xây dựng các tổ hợp môn học trước khi tuyển sinh năm học 2022-2023, các nhà trường đã cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh nhưng không tránh khỏi có một số học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn sau một thời gian học tập. Đáp ứng nhu cầu nói trên của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, trong đó đã hướng dẫn trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới; kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học 2022-2023. Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông lo lắng cho hay họ chưa biết sẽ bố trí đội ngũ giáo viên, sắp xếp thời gian như thế nào, ai trả lương cho việc dạy bổ sung kiến thức môn học cho học sinh muốn chọn lại môn và có kiến nghị được bộ hướng dẫn kỹ hơn. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Khi có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, học sinh đã có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học đó ở lớp học dưới. Học sinh phải chủ động xây dựng kế hoạch tự học với sự hỗ trợ của cha mẹ; chủ động tự học và nhờ thầy, cô dạy môn học đó trong trường hướng dẫn thêm những nội dung chưa hiểu khi tự học.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục trung học là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp và học sinh được lựa chọn môn học. (Ảnh minh họa: PV)

Nếu môn học mới học sinh muốn chuyển đến là môn học yêu thích, theo sở trường, hứng thú của bản thân thì việc tự học môn học này của học sinh có sự chủ động cao. Việc tự học, bù đắp kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học ở lớp dưới còn được tiếp tục trong quá trình học môn học đó ở lớp trên để bảo đảm học sinh có đủ năng lực học tiếp những nội dung ở lớp trên có liên quan trực tiếp đến nội dung đã học ở lớp dưới.

Nhà trường có giải pháp phù hợp để động viên, khuyến khích học sinh chủ động hỏi các thầy, cô dạy môn học đó để được hướng dẫn, giúp đỡ. Tôi tin rằng, sẽ không có giáo viên nào từ chối hỗ trợ học sinh trong trường hợp như vậy.

[Hiệu trưởng “cân não" khi học sinh lớp 10 muốn chọn lại môn]

Việc học sinh tự học liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục không, thưa ông, nhất là khi các em phải tự bù đắp kiến thức, kỹ năng cho cả một môn học trong vài tháng hè?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Có nhiều trường hợp phản ánh là học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học ngay khi kết thúc học kỳ 1. Nếu như vậy thì các em một mặt phải học tiếp để hoàn thành môn học đã lựa chọn ở học kỳ 2 để đủ điều kiện lên lớp, mặt khác cần có kế hoạch tự học môn học mới muốn chuyển đển ngay trong học kỳ 2 của năm học trước. Việc này sẽ thuận lợi hơn vì trong thời gian năm học, các em dễ dàng hơn trong việc gặp các thầy, cô dạy học môn học đó để nhờ hỗ trợ, hướng dẫn thêm.

Trường hợp đến hết năm học mới bắt đầu có nguyện vọng chuyển đổi thì học sinh có thời gian tự học môn học mới trong ba tháng hè. Với thời gian đó, học sinh có đủ điều kiện để tự học vì mỗi môn học lựa chọn đều có thời lượng 70 tiết/năm học (học sinh vừa nghỉ hè, vừa tự học trung bình mỗi tuần khoảng 5-7 tiết). Trong thời gian đó, học sinh vẫn có thể nhờ được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy, cô dạy môn học đó thông qua email, điện thoại hoặc qua trực tuyến.

Học sinh sẽ phải cam kết tự học để đảm bảo yêu cầu kiến thức, kỹ năng. (Ảnh minh họa: PV)

Không cần điểm số

- Còn việc kiểm tra, đánh giá thì như thế nào thưa ông? Học sinh có cần một kỳ thi hay điểm số nào của môn học này để có thể học tiếp ở lớp 11?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn nhà trường có giải pháp phù hợp để kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Theo đó, các nhà trường cần kiểm tra, đánh giá kế hoạch tự học mà học sinh đã  cam kết khi xin chuyển đổi môn học; có giải pháp phù hợp để kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học sinh tự học theo kế hoạch mà học sinh đã cam kết, bảo đảm rằng học sinh đã thực hiện đầy đủ các nội dung học tập theo yêu cầu của chương trình môn học ở lớp học dưới, đủ năng lực học tiếp môn học đó ở lớp trên. Không yêu cầu ghi nhận điểm số của môn học này ở lớp học dưới vì học sinh đã hoàn thành môn học cũ và đã đủ điều kiện lên lớp theo quy định.

Ông có lời khuyên nào cho học sinh để các em có thể tự học đạt kết quả tốt nhất, thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Các em hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn môn học và càng cần cân nhắc kỹ hơn khi quyết định xin chuyển đổi môn học. Nếu em thực sự yêu thích môn học đó, thấy mình có sở trường, hứng thú với môn học, phục vụ cho định hướng nghề nghiệp của bản thân thì mới nên chuyển.

[Lúng túng chọn môn tổ hợp lớp 10 theo chương trình mới]

Các em không phải chịu áp lực nào về điểm số đối với việc tự học môn học này ở lớp học trước nhưng để học tốt môn học mới ở lớp trên thì nhất định phải nắm chắc được kiến thức, kỹ năng của môn học đó lớp dưới. Vì vậy, trước khi quyết định xin chuyển, các em cần xây dựng và cam kết với nhà trường về kế hoạch tự học môn học mới ở lớp dưới một cách kĩ lưỡng, phù hợp với năng lực, quỹ thời gian của bản thân và thực hiện tự học một cách chủ động, nghiêm túc.

Nhà trường, giáo viên chỉ có vai trò hỗ trợ khi học sinh cần hỏi các vấn đề chưa hiểu. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong quá trình tự học, trước hết cần nỗ lực tự nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu học tập khác để tiếp nhận kiến thức mới và vận dụng kiến thức mới để giải các bài tập trong sách giáo khoa; xác định những nội dung mình chưa hiểu chắc chắn hoặc chưa hiểu, viết ra câu hỏi để đề nghị với nhà trường và gửi cho thầy, cô dạy môn học để được gợi ý, giúp đỡ để vượt qua. Làm tốt điều này các em sẽ không chỉ có được kiến thức, kĩ năng của môn học này mà còn giúp cho các em có được phương pháp học tập tốt cho các môn học khác ở các lớp tiếp theo.

- Thực tế ở các nhà trường cho thấy có những môn học được rất nhiều học sinh lựa chọn, giáo viên quá tải, trong khi có những môn ít em mặn mà. Điều này khiến các trường gặp khó trong bố trí đội ngũ. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/BGDĐT (điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT đã quy định nhà trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Như vậy, về phía nhà trường cần tính toán xây dựng bao nhiêu tổ hợp phù hợp với đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; không để xảy ra trường hợp nhà trường có giáo viên môn học nhưng lại không tổ chức dạy học môn học đó.

Điều quan trọng hơn để khắc phục tình trạng này là phải nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh ngay từ các năm học cấp trung học cơ sở; qua đó giúp học sinh, cha mẹ học sinh có nhận thức tốt hơn về mối quan hệ giữa các môn học trong chương trình và nghề nghiệp để việc chọn môn học không chỉ nhằm vào môn học để thi và tuyển sinh vào đại học. Trên thực tế, có những môn mặc dù từ trước tới nay không đưa vào thi tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học nhưng việc chọn và học tốt các môn này lại giúp cho học sinh nắm chắc hơn về kiến thức, kĩ năng của các môn thi (do kiến thức, kĩ năng được ứng dụng nhiều trong môn học đó) cũng như hỗ trợ tốt cho việc học lên theo ngành, nghề mà học sinh lựa chọn.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Phạm Mai (Vietnam+)