Bộ đội hóa học: Những người chiến đấu với 'cái độc' giữa thời bình

Giữa thời bình, máu của người chiến sỹ phòng hóa có thể không rơi nhưng ẩn sau mặt nạ phòng hóa và bộ khí tài phòng da, mồ hôi của họ vẫn tuôn rơi trong những tình huống nguy hiểm, ngặt nghèo...

Bộ đội hóa học diễn tập ứng phó sự cố môi trường. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp, Tổ quốc ta lại đứng trước thử thách mới chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trước thực tiễn đối phương từng sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến tranh thế giới, Đảng, Bác Hồ đã yêu cầu Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) nhanh chóng chuẩn bị và thành lập một số binh chủng mới, trong đó có bộ đội hóa học.

Ngày 19/4/1958, Tiểu đoàn 6 hóa học trực thuộc Trường Sỹ quan Lục quân và hai đại đội hóa học trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 308, Sư đoàn Bộ binh 320 được thành lập theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, đánh dấu sự ra đời của bộ đội hóa học.

Kể từ đây, lực lượng bộ đội hóa học từng bước được xây dựng, kiện toàn và phát triển. Sinh ra trong khói lửa, chiến đấu trong thời bình, 65 năm qua, người lính hóa học bằng trí sáng tạo, tinh thần chiến đấu quả cảm đã lập nên nhiều chiến công, ngày ngày đối mặt và xử lý các loại chất độc tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục các sự cố hóa chất độc hại, sẵn sàng với những phương án ứng phó, phòng, chống với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Lực lượng nòng cốt đảm bảo phòng hóa trong kháng chiến chống Mỹ

Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội hóa học là lực lượng duy nhất làm nòng cốt đảm bảo phòng hóa trên các hướng chiến trường. Lực lượng bộ đội hóa học đã khắc phục khó khăn, gian khổ, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ sử dụng súng phun lửa và vũ khí thu được của địch để tiêu diệt địch; sáng tạo dùng vũ khí hóa học của địch để đánh lại địch, tạo uy hiếp tâm lý và hạn chế đối phương sử dụng vũ khí hóa học...

Với nghệ thuật sáng tạo, có đặc trưng riêng, bộ đội hóa học đã sử dụng có hiệu quả màn khói và các phương tiện khác để ngụy trang che giấu lực lượng ta, cấu trúc các trận địa hỏa lực giả để nghi binh lừa địch, thu hút hàng ngàn tấn bom đạn địch đánh vào các trận địa giả, bảo đảm an toàn cho bộ đội, xe tăng của ta chiến đấu, góp phần bảo đảm cho các lực lượng tham gia tác chiến đấu thắng lợi trên chiến trường miền Nam.

Ở miền Bắc, bộ đội hóa học đã trực tiếp thực hiện có hiệu quả 385 trận thả khói ngụy trang nghi binh trận địa thu hút làm lạc hướng bom đạn địch, bảo vệ an toàn nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng của đất nước.

Bên cạnh đó, bộ đội hóa học còn hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt bảo đảm hóa học phục vụ chiến đấu, hướng dẫn phát hiện và khắc phục kịp thời hậu quả địch sử dụng vũ khí hóa học, giảm thiểu tổn thất cho lực lượng ta.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, không quản ngại hy sinh, gian khổ, độc hại, bộ đội hóa học đã nhanh chóng có mặt ở những nơi bị địch tập kích, phun rải chất độc hóa học, hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách phòng, chống, khắc phục hậu quả địch sử dụng vũ khí hóa học.

Ngoài ra, bộ đội hóa học còn thực hiện nhiệm vụ sản xuất, quản lý, vận chuyển, sửa chữa, bảo đảm hàng nghìn tấn trang bị khí tài, vật tư hóa học đáp ứng yêu cầu phòng hóa trên chiến trường, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, bộ đội hóa học đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó Binh chủng Hóa học được tặng Danh hiệu "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mở rộng hợp tác quốc tế

Đất nước hòa bình, những người lính hóa học vẫn luôn có mặt trên tuyến đầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với chức năng, nhiệm vụ của một binh chủng vừa chiến đấu, vừa bảo đảm, Binh chủng Hóa học đã nắm chắc, dự báo tốt tình hình hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân; các sự cố môi trường, nhất là tình hình liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt; chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, đồng thời chỉ đạo các đơn vị hóa học trong toàn quân chủ động xây dựng lực lượng, phương án ứng phó theo phân cấp.

Binh chủng cũng chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp xây dựng, phát triển tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt lớn, cân đối, vững chắc trên các hướng, địa bàn chiến lược cả về lực lượng chiến đấu và hệ thống cơ sở bảo đảm trang bị, kỹ thuật phòng hóa, sẵn sàng cho lực lượng vũ trang nhân dân đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí hủy diệt lớn cũng như trong các thách thức an ninh phi truyền thống (hoạt động khủng bố, sự cố, thảm họa hóa chất, sinh học, phóng xạ, hạt nhân...).

Trong một thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2017-2022, Binh chủng Hóa học đã tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trọng tâm là phòng ngừa, ứng phó nguy cơ, sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân và môi trường.

Theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, chất lượng công tác huấn luyện của Binh chủng được thể hiện rõ nét trong các cuộc diễn tập quốc tế về cứu hộ, cứu nạn; diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.

Có thể kể đến diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng có bắn đạn thật năm 2017 (DT-17); diễn tập ứng phó thiên tai khẩn cấp khu vực ASEAN năm 2018 (ARDEX-18) tại Indonesia; diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới (TN-19), ứng phó sự cố môi trường quy mô liên tỉnh năm 2020 (DM-20), diễn tập cứu hộ cứu nạn với Quân đội Hoàng gia Campuchia...

[Bộ đội hóa học diễn tập ứng phó sự cố môi trường]

Năm 2019 ghi nhận nhiều dấu ấn, bước chuyển mạnh mẽ của Binh chủng Hóa học khi lần đầu cử đội tuyển đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia thi đấu tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games). Đây là hội thao quân sự có quy mô lớn nhất, với sự tham gia của những cường quốc về quân sự hàng đầu trên thế giới.

Với quyết tâm thi đấu cao, ngay trong lần đầu tiên tham gia, đội tuyển Hóa học đã xuất sắc giành huy chương Đồng. Trên cơ sở đó, đội tuyển tiếp tục tham gia thi đấu các năm 2020, 2021, 2022 và đạt nhiều thành tích quan trọng.

Quân đội ta vẫn có câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu." Giữa thời bình, máu của người chiến sỹ phòng hóa có thể không rơi nhưng ẩn sau mặt nạ phòng hóa và bộ khí tài phòng da, mồ hôi của họ vẫn tuôn rơi trong những tình huống nguy hiểm, ngặt nghèo, vì bình yên cuộc sống.

Nhiều người dân Hà Nội hẳn vẫn chưa quên những tháng ngày đầy lo âu khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm 2019.

Lực lượng của Binh chủng Hóa học phun hóa chất tẩy độc mặt nền nhà xưởng của Công ty Rạng Đông, ngày 5/10/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Một đám cháy bùng lên, thiêu rụi khoảng 6.000m2 kho xưởng gây nguy cơ ô nhiễm thủy ngân ra các khu vực lân cận. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ cùng xe máy và khí tài chuyên dụng đã được huy động.

Trong thời gian ngắn, cán bộ, chiến sỹ Binh chủng Hóa học đã xử lý, thu gom hàng nghìn tấn vật liệu nhiễm độc, tẩy độc diện tích hơn 30.000m2 tại khu vực này, bảo vệ bình yên cuộc sống, trả lại sự an tâm cho nhân dân.

Phát triển không ngừng về năng lực chuyên môn, thường xuyên được củng cố vững mạnh về chính trị, Binh chủng Hóa học được cấp trên tin tưởng, giao thực hiện những nhiệm vụ, trọng trách mới.

Năm 2019, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm hành động quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) chính thức ra đời. Kể từ đây, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường có một cơ quan điều phối, quản lý thống nhất ở tầm mức quốc gia.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những người lính phòng hóa lại lên đường, trực tiếp tham gia phun khử khuẩn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ các điểm cách ly chăm sóc, điều trị. Ghi nhận thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Binh chủng Hóa học đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngày 22/2/2022, phiên họp đầu tiên của Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được tổ chức.

Theo quy định của Nghị định 81, Bộ Quốc phòng là Cơ quan đầu mối quốc gia, Bộ Tư lệnh Hóa học là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Binh chủng đã tích cực tham mưu, hướng dẫn các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tổ chức huấn luyện cho các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó tình huống; tích cực hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực phát hiện, phòng chống, ứng phó các nguy cơ về hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. Đây là một trong những bước phát triển mới trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Binh chủng Hóa học giai đoạn 2017-2022 và những năm tiếp theo.

Cùng với việc thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trong nước được Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao như tẩy rửa chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; xử lý sự cố hóa chất độc-xạ, bảo vệ môi trường..., trên bình diện quốc tế, Binh chủng Hóa học cũng để lại những dấu ấn đậm nét trong công tác hội nhập và đối ngoại quốc phòng như tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Diễn tập thực binh ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới của Binh chủng Hóa học. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thời gian qua, Binh chủng Hóa học đã cử lực lượng tham gia nhiều chương trình, dự án, hội nghị như dự án nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam/dioxin với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); dự án phối hợp thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa với Tập đoàn Haemers Technologies (Vương quốc Bỉ) và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản); Tư lệnh Binh chủng tham dự Hội nghị Tư lệnh Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân (CBRN) các nước ASEAN mở rộng, tham gia cuộc họp lần thứ 2 Hội đồng thống đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hàng trăm lượt hội thảo, đàm phán, tập huấn quốc tế về lĩnh vực phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đàm phán mua sắm trang bị....

Qua đó, Binh chủng Hóa học đã đào tạo được lớp cán bộ năng động, giàu kỹ năng chuyên môn, tự tin trong hội nhập quốc tế, đang góp phần tô thắm những truyền thống hào hùng của bộ đội hóa học trong suốt chặng đường 65 năm./.

Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)