Bộ Công Thương: Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, cao gấp 2 lần năm trước

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của cả nước ước đạt 683 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD, đưa xuất siêu cả năm lên mức 26 tỷ USD.

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Năm 2023, ngành Công Thương đã về đích với nhiều kết quả nổi bật, trong đó cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt khoảng 26 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Đây là một trong những kết quả nổi bật được đưa ra tại “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương,” diễn ra sáng 20/12, tại Hà Nội.

Năng lực của doanh nghiệp nội được cải thiện tích cực

Thông tin thêm, theo đại diện Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, mức giảm xuất khẩu của khu vực này cũng thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô).

Đặc biệt, thị trường trong nước tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%); đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao. Hoạt động Thương mại Điện tử tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước.

Đánh giá cao các kết quả trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay cùng với sự phối hợp của Bộ Công Thương trong việc nắm bắt thông tin thị trường, Thành phố không bị đối mặt với các “cú sốc” về nguồn cung, từ đó đảm bảo các hoạt động ổn định, duy trì nguồn cung về điện, xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân được liên tục.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà để Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ phát triển điện Mặt Trời từ các mái nhà công mà còn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, nhà dân, qua đó tận dụng các lợi ích của điện Mặt Trời mái nhà, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường(Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông tin, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường, cung cầu nhiều mặt hàng nông sản lúc nóng, lúc lạnh song sự phối hợp của liên bộ đã đạt nhiều kết quả rõ nét.

Hoạt động thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn cử, trong năm 2023, liên bộ đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình phối hợp về xuất khẩu gạo, trứng gia cầm, muối… để đảm bảo cung cầu thị trường trong nước; Phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, trong đó các thương vụ là cầu nối quan trọng giúp thực hiện việc đàm phán, mở cửa, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

“Thông qua nhiều hội nghị, tập huấn, liên bộ đã cung cấp nhiều thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp về thị trường, đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng như thúc đẩy xuất khẩu,” ông nói.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm triển khai các giải pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp của địa phương phát triển, đẩy mạnh các chuỗi liên kết, qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của từng ngành, đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Cụ thể hơn, bà Lê Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng mong muốn Bộ Công Thương có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội bổ sung loại dự án “Đầu tư xây dựng trung tâm logistics (khu vực thực hiện các hoạt động kho bãi, vận tải, các dịch vụ logistics chuyên sâu như gia công, đóng gói, phân loại, kiểm dịch, phân phối hàng hóa nội địa, quốc tế)” là một trong các trường hợp được thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, góp phần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics.

Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP) để địa phương có cơ sở quản lý và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đầu tư, khai thác và phát triển chợ trên địa bàn.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 6/2022, trên cả nước có 748 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 24.000 ha, trong đó, số cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 171, chiếm 22,7% tổng số cụm công nghiệp đang hoạt động.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho hay tỷ lệ cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn rất cao, chiếm khoảng 77%. Nguyên nhân chính của tình trạng nhiều cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung là do các đơn vị quản lý ở cấp địa phương không bố trí được nguồn vốn đầu tư, nhiều cụm công nghiệp không có chủ đầu tư hạ tầng.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, xây dựng các cơ chế chính sách để đa dạng hóa, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường, tăng dần tỷ lệ cụm công nghiệp có hạ tầng về bảo vệ môi trường,” ông Lê Hoài Nam nói.

Trước các ý kiến đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng công tác thể chế, trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 4 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản và khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng lưu ý việc giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

“Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành Công Thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý ngành Công Thương cần tìm giải pháp đột phá để nâng cao giá trị xuất khẩu, thông qua chuyển giao công nghệ từ việc thu hút FDI, giảm dần tỷ lệ gia công, qua đó giúp nâng cao năng lực và phát triển ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, cơ bản.

“Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, biện pháp thuế quan bằng kỹ thuật cũng ngày càng tinh vi, nếu không chủ động được thì không thể đi theo xu thế lớn của thời đại và sẽ tụt hậu, nhưng nếu muốn đi cùng họ thì cần phải có những tư tưởng mang tính đột phá, lựa chọn đó là thách thức để vượt qua," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thep Phó Thủ tướng, nhiên liệu trong đó có xăng, dầu, khí đốt, điện năng, nguồn điện sơ cấp và thứ cấp, nếu lĩnh vực này có vấn đề gì thì cả nền kinh tế và đời sống dân sinh bị ảnh hưởng. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương phải kiểm điểm nghiêm túc, không để xảy ra nguyên nhân nào, dù chủ quan hay khách quan./.