Bộ Công Thương: Sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế DPPA, điện Mặt Trời mái nhà

Cơ chế DPPA gồm 2 hình thức, nếu không nối lưới sẽ không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện, trường hợp nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 24/4, tại Hà Nội các ý kiến đều mong muốn sớm ban hành các Nghị định trên nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc triển khai các dự án, đồng thời thu hút đầu tư hướng tới việc phát triển năng lượng Xanh và bền vững.

Góp phần thúc đẩy năng lượng tái tạo

Liên quan đến cơ chế DPPA, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết cấu trúc Dự thảo 2 Nghị định quy định về cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn dự kiến gồm 6 Chương, 34 Điều và 2 Phụ lục.

Để đảm bảo có thể triển khai Nghị định sau khi ban hành, tại Dự thảo 2 Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.

Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia, để tránh phát sinh thủ tục hành chính và cơ chế xin cho, đảm bảo xây dựng quy định có độ mở, trên cơ sở rà soát yêu cầu về ràng buộc kỹ thuật theo quy định hiện hành khi đấu nối và vận hành trong hệ thống điện (các nhà máy điện có công suất 10 MW trở lên khi kết nối lưới phân phối cần trang bị hệ thống thông tin, hệ thống SCADA …)

Và nhu cầu sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất của các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, Dự thảo 2 Nghị định quy định việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện Mặt Trời, nhà máy điện gió có công suất thiết kế từ 10MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.

Về việc mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, tại Dự thảo đề xuất “giao Bộ Công Thương chủ trì đánh giá, báo cáo Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ và tình hình phát triển thị trường điện cạnh tranh.”

Điện gió ngoài khơi góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên quan tới Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin một số nguyên tắc cơ bản, trong đó, phát triển điện Mặt Trời mái nhà phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, tổng công suất điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia tại mỗi địa phương không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện Quốc gia loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Chia sẻ tại hội nghị, bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tại Việt Nam (USABC) đánh giá cao việc Bộ Công Thương đưa ra dự thảo về Nghị định mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với năng lượng tái tạo, theo bà ngay từ đầu các công ty thành viên của USABC đã cam kết đồng hành mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cơ chế mua bán điện trực tiếp này là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu này.

“Việc ban hành DPPA không chỉ mang lợi cho các cơ sở sản xuất và các công ty đa quốc gia có cam kết sử dụng năng lượng sạch trong các hoạt động thương mại kinh doanh mà còn góp phần thúc đẩy năng lượng tái tạo và huy động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này,” bà Bùi Thị Việt Lâm nói.

Cùng ý kiến này, bà Virginia Foote, thành viên Ban Quản trị Nhóm Công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhấn mạnh, nếu các dự thảo Nghị định được thông qua và Nghị định được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Không nối lưới sẽ không bị giới hạn về công suất

Tại hội nghị, việc hoàn thiện các cơ chế để phát triển các nguồn điện cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Bà Phạm Thùy Vân, đại diện Công ty Samsung Việt Nam đồng tình với việc cần thiết ban hành sớm các Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời trên mái các công trình xây dựng.

Liên quan tới Dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp, đại diện Công ty Samsung Việt Nam cho rằng trong 2 cơ chế, một là cơ chế bên bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, với nội dung này cần có hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn để khi Nghị định được ban hành, doanh nghiệp có thể thực hiện ngay mà không phải vướng mắc và không phải chờ đợi thêm một cơ chế hướng dẫn mới.

Nội dung tiếp theo liên quan đến cơ chế mua bán điện thông qua việc phát lên lưới truyền tải điện Quốc gia, bà Phạm Thị Vân kiến nghị Bộ Công Thương cân nhắc kỹ trong vấn đề tính giá để đảm bảo tính công bằng, sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện cũng như khách hàng.

Qua các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sự cần thiết phải ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cũng để thực hiện được Quy hoạch điện VIII hiệu quả, hướng tới một nền sản xuất Xanh ở Việt Nam.

Trong đó, ba chính sách mà Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến liên quan đến cơ chế DPPA, cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu và chính sách khuyến khích phát triển điện khí là những chính sách quan trọng, cần sớm được ban hành, là những “bước đi ban đầu” ở góc độ quản lý nhà nước và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.

Theo ông, các chính sách này là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba giác độ phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.

Các đại biểu góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra, những cơ chế chính sách nêu trên “đều là rất mới và rất khó,” bởi luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện những cơ chế này một cách đầy đủ ngay lập tức; Việt Nam xuất phát điểm khác với các nước phát triển, đòi hỏi các cơ chế chính sách cần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nhận thức, tập quán và điều kiện kinh tế-kỹ thuật.

Đối với cơ chế DPPA, Hội thảo thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà mở rộng ra là cả những doanh nghiệp dịch vụ, “hễ là khách hàng có nguồn nhu cầu sử dụng điện lớn, thậm chí là muốn điện sạch, thì hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này.”

Cơ chế DPPA gồm 2 hình thức: Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng. Nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện (chỉ áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện Mặt Trời).

Đối với chính sách khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu, có bốn chính sách cơ bản như đề xuất trong Dự thảo. Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn về công suất, không cho phép mua bán điện mà chỉ để tự sản tự tiêu, tránh trục lợi về chính sách và ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia, an ninh, an toàn điện quốc gia. Nếu nối lưới, Dự án có thể phát sản lượng điện dư lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng.

Đối với cơ chế khuyến khích phát triển điện khí, ngôn ngữ hợp đồng sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh. Luật pháp được áp dụng để xem xét xử lý trong trường hợp phát sinh xung đột là luật pháp Việt Nam. Nhà nước Việt Nam sẽ có bảo đảm bao tiêu sản lượng điện tối thiểu của các dự án điện khí ở mức nhất định, trong thời hạn nhất định, giúp nhà đầu tư an tâm đầu tư phát triển dự án và đạt điểm hòa vốn an toàn.

Giá khí sẽ được thiết kế trong chính sách này theo hướng điều chỉnh theo giá thị trường, tương tự như vậy khung giá điện cũng sẽ được điều chỉnh theo thị trường (theo Nghị định mới của Chính phủ cho phép điều chỉnh 3 tháng/lần).

“Cơ quan thường trực xây dựng Dự thảo các Nghị định sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách này, tạo điều kiện phát triển ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới,” ông Diên nói./.