Bộ Công Thương: Không có hoạt động mua, bán điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu
Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu và đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến đóng góp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong trường hợp không sử dụng điện quốc gia và không sử dụng điện trên lưới quốc gia thì không giới hạn công suất. Điều này phù hợp với Quyết định 500 và không có hoạt động mua bán điện và"dứt khoát phải như vậy." Vì nếu có phát sinh hoạt động mua bán điện thì phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, phải có giấy phép hoạt động điện lực, và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/5, tại Hà Nội.
Áp lực lên lưới điện quốc gia
Liên quan tới việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết ngày 15/4/2024, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn văn Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Nghị định này quy định về phát triển điện Mặt Trời lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Về đối tượng áp dụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu gồm: Nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Dự thảo Nghị định, Phó giáo sư Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa cũng nhất trí với chủ trương ủng hộ phát triển điện Mặt Trời mái nhà để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, ông Dũng hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện Mặt Trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.
“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30-40%, nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được,” Phó giáo sư Nguyễn Việt Dũng phân tích.
Từ dẫn chứng này theo ông Dũng, toàn bộ hệ thống nhiệt điện bây giờ luôn luôn phải chạy ép để nhường lưới điện cho năng lượng tái tạo mà năng lượng Mặt Trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải tụt xuống ngay, do đó ông cho rằng không thể đưa đấu nối ở các dự án ngoài quy hoạch, bởi sẽ làm cho hệ thống lưới điện không ổn và cực kỳ nguy hiểm cho an toàn lưới điện Quốc gia.
Còn theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, cần tăng cơ chế thị trường, giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng đồng thuận xã hội trong chính sách này, bao gồm không cho phép bán điện thừa cho người khác vì nằm trong cơ chế mua bán điện trực tiếp, được quy hoạch Điện VIII bảo hộ trong pháp lý.
Chống trục lợi chính sách
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương nên tiếp tục cho nghiên cứu tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế-xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý. Khi đó, Nhà nước có thể quy định mức giá cao, thấp hoặc giá âm, tùy thời điểm, tùy khu vực địa lý.
“Về “giá 0 đồng” là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng, vì vậy kiến nghị trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này (ví dụ: Giai đoạn ba năm 2024-2027),” ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.
Trước các ý kiến đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, qua thảo luận đều thống nhất nhận định sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện Mặt Trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Theo đó, việc ban hành khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện Mặt Trời áp mái, Việt Nam có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện Quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Bên cạnh đó là giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Ngoài ra, thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lại đạt trung hòa carbon vào năm 2050./.