Bộ Công Thương: Khẩn trương triển khai các Quy hoạch về năng lượng, khoáng sản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.

Kho dự trữ xăng dầu của PVOil. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan bắt tay ngay vào việc triển khai các quy hoạch, vừa đảm bảo đủ năng lượng và khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước và thực hiện đúng quy hoạch đề ra đồng thời tạo dư địa mới, không gian mới và động lực mới cho tăng trưởng của mỗi ngành, mỗi địa phương và doanh nghiệp.

Đây là yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công Thương tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định: Số 333/QĐ-TTg; Số 338/QĐ-TTg và Số 343/QĐ-TTg, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/4, tại Hà Nội.

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.

Bên cạnh đó, các quy hoạch cũng đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả các nguồn lực, đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác và quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.

Đối với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho hay quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển tối ưu tổng thể các yếu tố khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian và lợi thế so sánh của các vùng, địa phương.

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính thông tin về quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công Thương) nhấn mạnh quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia nhằm đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. Dự trữ thương mại chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng.

Ngoài ra, dự trữ quốc gia đảm bảo sức chứa từ 500.000-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000-800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.

Về khí đốt, đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030…

Trao đổi tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cho biết theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Bình Phương có quy hoạch 4 khu mỏ bauxite diện tích hàng nghìn hecta, bao trùm lên nhiều công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ảnh hướng đến 19.000 hộ dân, việc đền bù tái định cư cho các hộ dân, các công trình đang triển khai trên diện tích quy hoạch sẽ rất khó khăn cho tỉnh Bình Phước và người dân...

Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tỉnh Bình Phước rà soát, khoanh định khu vực thăm dò khai thác bauxite trên địa bàn tỉnh nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương, tạo không gian cho Bình Phước thực hiện quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện cắm mốc bàn giao thực địa khu vực phân quặng bauxite để bàn giao địa phương quản lý, bảo vệ khoáng sản theo quy định, đồng thời rà soát diện tích đã được phân định để khoanh vùng khu vực khai thác, khu vực không khai thác, hạn chế khai thác khoáng sản bauxite, có hướng dẫn cụ thể kế hoạch và lộ trình khai thác.

Đới với tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho hay trong cả 3 quy hoạch chuyên ngành nêu trên đều tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của tỉnh.

Cụ thể, Quảng Ninh là một trong những địa phương được xác định là Trung tâm điện của cả nước, các hoạt động của ngành điện đóng góp rất lớn vào quy hoạch chung của tỉnh. Tiếp đến ngành than cũng đóng góp hàng năm trên dưới 20.000 tỷ đồng, thu hút gần 100.000 lao động đồng thời Quảng Ninh là một đầu mối xăng dầu của cả nước.

Do vậy, các quy hoạch được ban hành vừa giúp địa phương điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể về sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở đó tạo điều kiện để thu hút đầu tư.

Với các quy hoạch năng lượng, điện, than xăng dầu… ông Vũ Văn Diện thông tin Quảng Ninh đã lựa chọn một số danh mục để đưa vào nhằm xác định mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh Quảng Ninh và đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

“Đề nghị Bộ Công Thương, các cơ quan của Bộ cùng các địa phương bám sát kế hoạch đã được phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện đúng theo lộ trình, tháo gỡ các khó khăn cho tỉnh,” ông Vũ Văn Diện nêu ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu bắt tay ngay vào việc triển khai các quy hoạch về năng lượng, khoáng sản. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, để tổ chức thực hiện thành công các Kế hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản… để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.

Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp cần được nâng câo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia và quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên khoáng sản.

Ông Diên yêu cầu các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành Quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản theo quy định của pháp luật về quy hoạch đồng thời rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật.

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản (như EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu, PVGas…) và các hiệp hội ngành nghề, ông Diên yêu cầu chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp./.