Bịt kẽ hở trong vi phạm pháp luật đăng kiểm xe cơ giới

Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, thậm chí các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật...

Kiểm tra kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Theo các chuyên gia giao thông và giới luật sư, việc gia tăng quá nhanh số lượng các trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ trong 4 năm qua là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng.

Từ đó dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy hiện cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp; 64 đơn vị thuộc các Sở Giao thông Vận tải và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Các chuyên gia giao thông, luật sư nhìn nhận lĩnh vực đăng kiểm có tính xã hội cao, hoạt động rộng trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm đăng kiểm đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, thậm chí các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành quy trình, quy định.

Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên An Viên (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc bỏ quy định các đơn vị đăng kiểm xây dựng và thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị đăng kiểm sau khi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ (Nghị định 139) quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ra đời, đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Từ đó xuất hiện cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa các đơn vị để thu hút khách hàng. Thậm chí, một số đơn vị đã có những hành vi thực hiện sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật hình sự.

[Xác minh hồ sơ thành lập trung tâm đăng kiểm có giám đốc học hết lớp 3]

"Mặt khác, các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có nhu cầu nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận nên chỉ quan tâm đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại những khu vực đô thị của các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều phương tiện hoạt động. Do đó, mật độ xây dựng các đơn vị đăng kiểm tại các khu vực đô thị rất cao, trong khi tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có ít xe hơn thì không có, hoặc rất ít đơn vị đăng kiểm được thành lập. Việc kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa, tốn thời gian, chi phí," luật sư Lê Cao Cường phân tích.

Cũng theo luật sư Lê Cao Cường, đăng kiểm viên là người làm thuê tại các đơn vị đăng kiểm tư nhân, do đó, chịu ảnh hưởng bởi các chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa có nhiều hạn chế.

Cùng với đó, nhận thức của chủ xe, lái xe chưa cao, vẫn còn tâm lý muốn các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các lỗi, khiếm khuyết về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện nên đã có các hành vi tác động, hối lộ, tặng quà, đồng lõa với các hành vi tiêu cực để các đơn vị đăng kiểm bỏ qua… Thậm chí, có một số trường hợp, một chủ đầu tư hoặc một doanh nghiệp đứng ra thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, sau đó thực hiện luân chuyển nhân sự thường xuyên.

Có trường hợp đăng kiểm viên của đơn vị này lại tham gia đầu tư thành lập đơn vị đăng kiểm khác với vai trò chủ đầu tư, dẫn đến khó kiểm soát các điều kiện hoạt động, không rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Có trường hợp đăng kiểm viên không làm việc tại đơn vị nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra…

Đánh giá về sự việc ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mới học hết lớp 3, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng đây là một câu chuyện bi hài, không thể chấp nhận được.

Ông Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận ở cương vị giám đốc điều hành một trung tâm đăng kiểm, yêu cầu đặt ra là phải có trình độ hiểu biết nhất định. Bởi có trình độ mới chỉ đạo được người khác, mới điều hành được công việc diễn ra tại trung tâm.

Công an thi hành lệnh bắt giữ Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Hồ Hữu Tài. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Ông Thanh nhấn mạnh phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ việc này. Bởi đăng kiểm là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và an toàn giao thông. Việc chỉ quy định tiêu chuẩn đối với lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người ký giấy chứng nhận kiểm định mà không bao gồm vị trí giám đốc như ông Hồ Hữu Tài cho thấy một kẽ hở rất lớn của pháp luật.

"Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận về thiếu sót này trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới nhằm kịp thời khắc phục, điều chỉnh," ông Thanh nêu quan điểm.

Nhấn mạnh việc cần làm tới đây là điều chỉnh quy định sao cho phù hợp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng phải đưa ra một tiêu chuẩn cần có đối với giám đốc trung tâm đăng kiểm. Tiêu chuẩn ấy cụ thể ra sao thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc xây dựng tiêu chuẩn cần dựa trên tham khảo từ các chuyên gia và ý kiến của cơ quan chức năng có liên quan. Ví dụ, giám đốc trung tâm đăng kiểm phải có trình độ nhất định về học thức, có am hiểu về cơ khí, có kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực vận tải…

"Anh có tiền và muốn đầu tư, chuyện này không ai cấm. Tuy nhiên, anh chỉ được đầu tư dưới hình thức góp vốn chẳng hạn, còn khi đã đứng tên làm giám đốc thì phải có trình độ nhất định," ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ cho rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung tất cả các văn bản có liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, bao gồm Nghị định 139. Việc sửa đổi sẽ thực hiện từ điều kiện cơ sở vật chất cho đến yếu tố con người.

Luật sư Lê Cao Cường nhìn nhận kiểm định xe cơ giới là ngành nghề kinh doanh đặc thù, có điều kiện, không chỉ đơn thuần bỏ tiền ra đầu tư và kiếm lợi nhuận. Sản phẩm đầu ra của hoạt động này là phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp đến an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, phải có những quy định và điều kiện riêng. Do đó, việc sửa đổi quy định sẽ theo hướng người dân muốn tham gia kinh doanh phải có hiểu biết nhất định về kiểm định, phải hiểu về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp là gì, liên quan thế nào đến người dân, xã hội, đến an toàn con người.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Công an Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã khám xét Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến việc mở rộng điều tra các vụ án "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, ngày 5/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có các quyết định tố tụng tiếp theo.

Theo đó, Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với một số cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm: Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc, chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới về tội nhận hối lộ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.

Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.

Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên, họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.

"Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân," Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)