Bình Thuận tiếp tục triển khai quyết liệt giải pháp phòng chống khai thác IUU
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Bình Thuận phải quyết liệt hơn nữa trong triển khai phòng chống IUU, đặc biệt là việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chiều ngày 29/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình chống khai thác IUU tại địa phương, kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Trong thời gian qua, xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, tỉnh Bình Thuận đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để quán triệt sâu kỹ, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU về chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" IUU; đặc biệt là tập trung cao điểm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã được các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt là lập danh sách đưa vào giám sát đặc biệt các tàu cá có "nguy cơ cao" và cử cán bộ, chiến sỹ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức trực ban 24/24h tại Trung tâm giám sát tàu cá để nhắc nhở chủ tàu duy trì tín hiệu VMS khi hoạt động trên biển… đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngoài vụ việc 1 tàu cá vi phạm vào đầu năm 2023, đến nay không phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đến nay, các đơn vị đã lắp đặt thiết bị VMS cho 1.942 tàu cá đang hoạt động/1.953 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên (đạt 100% tàu cá hoạt động); 11 tàu cá chưa lắp đặt là do hư hỏng ngừng hoạt động, thi hành án, tranh chấp dân sự hoặc đã bán ra ngoài tỉnh nhiều năm, không có thông tin, tỉnh đã thông báo tàu cá mất tích.
Chi cục Thủy sản đã thực hiện đăng ký 5.935 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên và cập nhật vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, cơ sở dữ liệu VNfishbase; cấp giấy phép khai thác thủy sản 3.290/5.935 tàu cá, đạt 55,4% (do giấy phép khai thác hải sản hết hạn ngày 30/4/2024, đang tập trung cấp lại giấy phép mới).
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, từ tháng 10/2023 đến nay Bình Thuận có: 69 trường hợp tàu cá mất kết nối trên 6 tiếng không báo cáo vị trí về trạm bờ; 43 trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển (đã xác minh, xử phạt 21 trường hợp; tiếp tục xác minh, xử lý 22 trường hợp còn lại); 204 trường hợp tàu cá mất kết nối trên 6 tháng (qua xác minh có 177 tàu cá mất kết nối trong bờ, ngưng sử dụng dịch vụ; 27 tàu cá mất kết nối trên biển nhưng đã vào bờ trước 10 ngày)...
Kết quả xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU khác: năm 2023, Chi cục Thủy sản đã xử phạt 378 vụ/3,5 tỷ đồng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt 197 vụ/650 triệu đồng. Trong 5 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản tiếp tục xử phạt 64 vụ/1,1 tỷ đồng (trong đó xử phạt 15 trường hợp không duy trì tín hiệu thiết bị VMS); Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 153 vụ/574 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống IUU của tỉnh như quản lý tàu cá chưa chặt chẽ, còn để tồn tại nhiều tàu cá phát sinh, hoạt động không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản; tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn xảy ra, đáng chú ý là sử dụng các ngư cụ cấm để khai thác thác hải sản gây nguy hại đến môi trường, nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển.
Đặc biệt, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài tuy bước đầu được ngăn chặn, song còn tiềm ẩn nguy cơ cao (tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS). Việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, còn nhiều hành vi vi phạm như tàu cá hoạt động không đăng ký, không có giấy phép khai thác, không ghi, nộp nhật ký khai thác... chưa được xử lý nghiêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống IUU yêu cầu tỉnh Bình Thuận phải quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai phòng chống IUU, đặc biệt là việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
"Từ nay đến tháng Chín là thời cơ còn lại để chúng ta quyết liệt cùng nhau gỡ thẻ vàng; do đó, tỉnh huy động sự tham gia vào cuộc cả hệ thống chính trị để khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại trong quản lý, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước tháo gỡ "Thẻ vàng" của EC," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, chiều ngày 28 và sáng 29/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng chống IUU tại 2 cảng cá và một số đơn vị trên địa bàn tỉnh./.