Bình Thuận: Phát huy giá trị những báu vật độc đáo của đồng bào Chăm
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chăm luôn được tỉnh Bình Thuận quan tâm, để góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa, qua đó thúc đẩy du lịch địa phương.
Đồng bào Chăm là một cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống rất lâu đời ở Bình Thuận. Trong suốt chiều dài lịch sử, họ đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc riêng biệt, đặc sắc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Bình Thuận và đất nước.
Mới đây, khi Linga vàng được công nhận là Bảo vật quốc gia lại càng làm phong phú hơn bộ sưu tập các di sản văn hóa của người Chăm tại Bình Thuận.
Bảo vật Linga vàng tìm thấy dưới chân tháp Pô Dam
Năm 2013-2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức khai quật khảo cổ tại khuôn viên nhóm đền tháp Chăm Pô Dam, thuộc thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
Đặc biệt, nơi đây phát hiện Linga vàng và nhiều hiện vật khác có giá trị như bệ yoni, bàn nghiền; các loại nhạc khí như, chuông, chũm choẹ, lục lạc, nhẫn mưta, gương đồng, rìu, giáo cùng lượng lớn ngói lợp và nhiều di vật gốm vỡ ra từ các loại vật dụng (bình, hũ, tô, chén, đĩa, nồi…).
Các hiện vật này góp phần khẳng định thêm giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm tại di tích tháp Pô Dam.
Linga vàng được tìm thấy có niên đại khoảng thế kỷ 8-9, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo, giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ.
Linga là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36gram, với tỷ lệ vàng chiếm 90,4% và 9,6% còn lại là bạc, đồng.
Linga vàng được Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.
Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023.
Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận. Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận cho biết việc Linga vàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia có ý nghĩa rất lớn, không chỉ mang tinh thần tự hào dân tộc, khích lệ bà con mà còn giáo dục các thế hệ người Chăm biết trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc.
Theo nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Ngọc Ẩn, Linga vàng có ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt đối với người Chăm. Không chỉ độc đáo về chế tác, độc bản mà nơi phát hiện Linga vàng cũng rất đặc biệt.
Thông thường tháp Chăm sẽ nằm ở hướng Đông nhưng riêng tháp Pô Dam nằm ở hướng Nam; các di tích tháp Chăm thường ở trên núi, Pô Dam lại nằm dưới chân núi.
Đặc biệt nhất, Linga vàng được phát hiện có từ thế kỷ thứ 8-9, đây là thời kỳ rực rỡ của văn hóa Chăm với chất liệu vàng chiếm hơn 90% vàng ròng. Đây là Linga vàng đầu tiên trên thế giới cách đây 1.200 năm mà các nghệ nhân đã làm được.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện vật Linga bằng vàng được phát hiện ngay trong địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa-lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng, văn hóa Chăm nói chung.
Bảo vật Quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.
Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản của đồng bào Chăm
Việc bảo vật Linga được phát hiện mang dấu ấn của lịch sử, văn hóa và đời sống của trên 40.000 người Chăm đang sinh sống tại các địa phương trong tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng, thời gian tới, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Bảo vật Quốc gia.
Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong phối hợp thực hiện bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia. Đồng thời, Sở tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia Linga vàng thông qua trưng bày, triển lãm, quảng bá lên trang web, phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, bảo vật quốc gia, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân, du khách.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đánh giá Bình Thuận là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, cổ vật, tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của người Chăm.
Tỉnh hiện có 2 di sản vật thể có giá trị lớn là kiến trúc tháp Pô Sah Inư và tháp Pô Dam. Tỉnh còn có hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội Katê, kỹ thuật làm gốm truyền thống…cùng với đó là hệ thống văn hóa gắn liền với đời sống của cộng đồng Chăm.
Đây là lợi thế rất mạnh của Bình Thuận trong bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch.
Bình Thuận hiện có 4 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Hai trong số đó là di sản văn hóa của đồng bào Chăm.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chăm luôn được Bình Thuận quan tâm, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa mà còn thúc đẩy du lịch địa phương.
Từ năm 2010, Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động đã khảo sát, nghiên cứu về nền văn hóa Chăm và văn hóa các dân tộc khác có liên quan qua sự tiếp biến, giao lưu văn hóa qua các thời kỳ.
Đến nay, nơi đây lưu giữ hơn 1.500 hiện vật, cổ vật và 5 bộ thư tịch cổ có giá trị về niên đại lịch sử, phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, vật chất của dân tộc Chăm xưa và nay.
Thời gian qua, Bình Thuận tập trung xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối từ Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm gắn với các di tích, Kho mở Hoàng tộc Chăm, làng gốm Bình Đức với các danh lam thắng cảnh tạo sức hút mới thu hút du khách.
Bình Thuận tăng cường giới thiệu di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của người Chăm thông qua tổ chức trưng bày, giới thiệu chuyên đề văn hóa, di vật gắn với di tích, buổi biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, dân vũ để giới thiệu rộng rãi tới công chúng, du khách.
Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để đội ngũ trí thức, người có uy tín, nghệ nhân người Chăm tập trung nghiên cứu và phát triển tiếng nói, chữ viết, nghề truyền thống của đồng bào.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng cho rằng thời gian tới, Bình Thuận cần tiếp tục phát huy, làm bật lên giá trị đang có, để đón nhận sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng, không chỉ của nhà nghiên cứu mà còn là du khách trong và ngoài nước.
Muốn như vậy, tỉnh Bình Thuận cần có các giải pháp kết nối di sản, quan tâm khai thác công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành động lực, trụ cột của sự phát triển./.