Bình Dương dự kiến tuyển dụng 70.000 đến 80.000 lao động trong năm 2025
Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000-80.000 lao động, chủ yếu là các ngành sản xuất, kế toán, bảo trì, và vận hành máy móc; nhu cầu lao động sẽ tăng cao sau Tết và kéo dài đến quý 2/2025.
Ngày 25/12, tại Hội nghị giao ban báo chí về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến lao động và việc làm.
Các nội dung được quan tâm gồm: tình trạng doanh nghiệp nợ lương, vi phạm quyền lợi người lao động, công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp và dự báo thị trường lao động năm 2025.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết vụ ngừng việc tập thể tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một) là một vấn đề gây bức xúc thời gian qua. Công ty này đã ngừng sản xuất từ tháng 10/2024 và nợ lương 858 người lao động với số tiền hơn 24,8 tỷ đồng từ tháng 6- 9/2024.
Đồng thời, doanh nghiệp còn chậm đóng kinh phí công đoàn hơn 5,6 tỷ đồng từ năm 2018 và nợ bảo hiểm xã hội hơn 25 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2024.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 3 hành vi của Công ty Hoàng Sinh. Đó là trả lương không đúng hạn, chậm đóng kinh phí công đoàn và chậm đóng bảo hiểm xã hội. Tổng mức phạt hành chính lên đến 390 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty bị buộc phải thanh toán toàn bộ số tiền nợ cùng tiền lãi chậm trả cho người lao động, tổ chức công đoàn và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sở đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu tiếp tục giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Năm 2025, Bình Dương dự kiến cần tuyển dụng từ 70.000-80.000 lao động, chủ yếu là các ngành sản xuất, kế toán, bảo trì, và vận hành máy móc. Nhu cầu lao động sẽ tăng cao sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến quý 2 năm 2025, trong đó lao động phổ thông và có tay nghề chiếm 75%.
Để đảm bảo nguồn nhân lực, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm và mở rộng hợp tác với các địa phương khác. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ phát triển thêm các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số, giúp thị trường lao động khu vực phía Nam liên kết chặt chẽ hơn.
Sở khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ và khả năng thích ứng với các vị trí việc làm mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường lao động địa phương.
Bình Dương cam kết tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo môi trường lao động ổn định và phát triển, đồng thời đáp ứng hiệu quả nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp trong năm tới.
Năm 2024, Bình Dương ghi nhận hơn 83.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 78.470 người đã được giải quyết chế độ với tổng số tiền chi trả hơn 1.977 tỷ đồng. Số lao động được hỗ trợ học nghề tăng mạnh, đạt 5.285 người, tăng 55,95% so với năm 2023.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai quy trình chi trả bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng, đúng quy định, kết hợp tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động. Đơn vị cũng tăng cường giám sát, thu hồi các khoản trục lợi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động thất nghiệp.
Năm 2024, thị trường lao động Bình Dương có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Các ngành như dệt may, gỗ, da giày, vốn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng trong năm trước, đã ký kết thêm nhiều hợp đồng mới, đẩy mạnh sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số doanh nghiệp tăng 151% so với năm 2023, với nhu cầu tuyển dụng gần 80.000 lao động, tăng 75%.
Để đáp ứng nhu cầu này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, đạt 159% kế hoạch năm. Đơn vị kết nối lao động trong tỉnh, liên kết với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo cầu nối linh hoạt giữa người lao động và doanh nghiệp./.