Bình Định: Trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Bình Định.
Ngày 28/8, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (thành phố Quy Nhơn), Sở Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ ‘‘Ký ức Thanh xuân tập kết ra Bắc.”
Dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Bình Định.
Đây là sự kiện hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.
Tại lễ khai mạc, đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao lại các hồ sơ, kỷ vật cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định đi B.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, cho biết đây là hoạt động ý nghĩa, tôn vinh và tri ân những người có công với đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
Phó Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cũng mong muốn tỉnh Bình Định tiếp tục tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để các cán bộ tập kết, đi B được biết thông tin và nhận lại hồ sơ, kỷ vật của mình, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, giáo dục lịch sử dân tộc cho các thế hệ. Từ đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hiện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B, trong đó số hồ sơ của tỉnh Bình Định là 5442 bộ, trở thành địa phương có số hồ sơ đi B nhiều nhất cả nước.
Dịp này, Trung tâm trưng bày tài liệu lưu trữ “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc" giới thiệu khoảng 150 tài liệu, ảnh, hiện vật trong số hơn 5.400 hồ sơ đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Phòng trưng bày khái quát nội dung thực thi Hiệp định Geneva, chuyển quân tập kết ra Bắc, cán bộ và học sinh miền Nam trên đất Bắc, hồ sơ và kỷ vật cán bộ đi B.
Những tờ chứng minh thư, sơ yếu lý lịch, tấm bằng tốt nghiệp, bằng khen, giấy khen, huy hiệu, huân chương, huy chương hay những lá thư, dòng đơn tình nguyện… là kỷ vật đặc biệt, được trưng bày, giới thiệu cho người xem.
Mỗi kỷ vật là câu chuyện, một phần ký ức của thời thanh xuân tươi trẻ của thế hệ cán bộ cách mạng góp phần làm nên lịch sử của dân tộc ta./.