Bình Định: Dự án thép Long Sơn phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe
Dự án khu liên hiệp gang thép Long Sơn phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới; tác động đến môi trường ở giới hạn cho phép và theo tiêu chuẩn của Việt Nam...
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội quý 1 được tổ chức sáng ngày 13/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phạm Anh Tuấn đã chính thức thông tin về một số vấn đề liên quan đến dự án khu liên hiệp gang thép Long Sơn (gọi tắt là dự án thép Long Sơn).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho rằng dự án thép Long Sơn là một trong các dự án lớn mà tỉnh đặc biệt quan tâm bởi tính hiệu quả cũng như lợi ích mà dự án mang lại. Tuy nhiên, để dự án đi vào hoạt động phải bắt buộc đáp ứng đẩy đủ các yêu cầu khắt khe của tỉnh.
Cụ thể, dự án phải có công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới; tác động đến môi trường ở giới hạn cho phép và theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng của dự án phải đảm bảo có được cuộc sống ở mức tối thiểu bằng, thậm chí tốt hơn sau khi được định cư ở nơi mới và mỗi người dân phải có sinh kế ổn định, lâu dài; hơn nữa, dự án sẽ không được xâm phạm đến các di tích lịch sử ở trong khu vực.
Cũng như các địa phương khác, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Sau khi dự án đạt các yêu cầu trên thì tỉnh Bình Định mới có cơ sở để hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ quyết định.
Hiện dự án thép Long Sơn được đầu tư tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, đều phù hợp với Quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Định, cũng như quy hoạch của vùng.
Cuối năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).
Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 486ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép cơ khí chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn.
Ngoài việc thu ngân sách của dự án hàng năm theo dự báo từ 5.000-10.000 tỷ (khi lấp đầy dự án). Bên cạnh đó còn có các hệ sinh thái, các dự án phụ trợ đi kèm phục vụ cho nó. Dự án cũng giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương; tạo việc làm cho khoảng 7.500-8.000 người khi Khu liên hợp Gang thép Long Sơn hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư.
Liên quan đến dự án thép Long Sơn, nhiều ý kiến cho rằng việc cho đầu tư dự án gang thép có thể không chỉ làm vẻ đẹp yên bình, hấp dẫn của thôn Lộ Diêu biến mất mà còn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và điện gió ở tỉnh Bình Định liên tục kiến nghị chính quyền và cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn liên quan đến hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án điện chuyển tiếp.
[Tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025]
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có tổng vốn hơn 7300 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 330MWp. Hiện, giai đoạn 1 của dự án đã đưa vào vận hành phát điện với công suất 216MWp. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của nhà máy, lại không được đưa vào vận hành phát điện với nguyên nhân là nhà đầu tư đã không thể hoàn thành toàn bộ dự án trước thời điểm 31/12/2020.
Ông Huỳnh Tấn Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch - chủ đầu tư Dự án điện Mặt trời Phù Mỹ, cho hay công ty không được ngân hàng cho vay, không thể tiếp cận nguồn vốn do chưa được vận hành thương mại gây rất nhiều lãng phí.
Công ty mong muốn Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ghi nhận sản lượng đối với phần công suất còn lại và trong quá trình chờ đàm phán thì Bộ Công Thương cần ghi nhận sản lượng cho vào vận hành, nếu giá thỏa thuận có cao hoặc thấp với mức giá hiện tại thì công ty chấp nhận khấu trừ sau.
Còn dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội, giai đoạn 2 có công suất 30MW, gồm 6 trụ tuabin, tổng mức đầu tư hơn 1200 tỷ đồng. Dự án đã được cấp giấy phép hoạt động, hoà lưới điện và được Tập đoàn điện lực (EVN) ghi nhận trên dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được công nhận ngày vận hành thương mại, vì chưa hoàn thành hết các quy trình thử nghiệm theo quy định của ngành điện. Ước tính thiệt hại, tổn thất của nhà đầu tư khoảng 75 triệu kwh tương đương với 160 tỷ đồng. Hệ thống kỹ thuật của nhà máy, các tuabin dần bị hư hại bởi thời tiết.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết nguyên nhân chính khiến các dự án này chậm tiến độ là do trong quá trình thi công rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID- 19. Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, Ban cũng đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét điều kiện đặc thù, hỗ trợ cho nhà đầu tư sớm đóng điện đi vào hoạt động nhằm giảm tổn thất cho nhà đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Đầu tháng 1/2023, Bộ Công Thương ban hành quyết định 21/QĐ-BCT về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có dự án điện mặt trời, điện gió đều cho rằng khung giá như vậy là còn quá thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Trần Thúc Kham, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, cho biết doanh nghiệp thất thu dẫn tới các nguồn thuế đóng góp cho địa phương cũng bị ảnh hưởng, sụt giảm. Trong các đợt làm việc, Sở cũng đã kiến nghị tới đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề xuất đến Chính phủ, sớm có chính sách cụ thể để các doanh nghiệp đàm phán được giá phát điện để phát điện, hòa lưới điện./.