Bình Định đề nghị xem xét lại quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được khai thác

Tại Bình Định, ngư dân đang gặp khó vì “vướng” quy định tại phụ lục V của Nghị định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500mm).

Vận chuyển cá ngừ đại dương ở cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nghị định 37/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với mục tiêu góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, tại Bình Định, ngư dân đang gặp khó vì “vướng” quy định tại phụ lục V của Nghị định về kích thước cá ngừ vằn được phép đánh bắt (chiều dài nhỏ nhất cho phép đánh bắt là 500mm).

Ghi nhận tại thị xã Hoài Nhơn - địa phương có số lượng tàu cá hành nghề lưới vây lớn nhất nhì tỉnh Bình Định, nhiều ngư dân đành phải cho tàu nằm bờ bởi thương lái đã dừng mua loại cá ngừ vằn có chiều dài dưới 500mm. Không khí tại cảng cá Thiện Chánh khá ảm đạm.

Ngư dân Ngô Văn Dăng cho hay, không thể vươn khơi nên anh cùng hàng chục thuyền viên khác lâm vào tình cảnh mất thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng đáng kể.

“Doanh nghiệp thông báo không mua cá nữa khiến anh em đi biển rất hoang mang. Nghề lưới vây là nghề truyền thống, không làm thì biết làm nghề gì. Số lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ 500mm theo quy định rất hiếm nên khi khai thác lại sợ không đạt, không đủ bù phí tổn,” ngư dân Phạm Văn Tân bộc bạch.

Theo thống kê, hiện tại, thị xã Hoài Nhơn có gần 600 tàu cá với khoảng 7.200 lao động hoạt động nghề lưới vây khai thác cá ngừ vằn; sản lượng mỗi năm đạt hơn 45.000 tấn.

Nhiều ngư dân có “của ăn, của để” nhờ nghề này giờ lại phải “dở khóc, dở cười” vì đầu ra không có, giá cá ngừ vằn đạt chuẩn thì giảm mạnh, chỉ còn dao động ở mức 12.000-17.000 đồng/kg.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, thực tế cho thấy, cá ngừ vằn mà ngư dân khai thác được chủ yếu có kích cỡ từ 300-400mm, còn kích cỡ từ 500mm trở lên chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của một phiên biển.

Từ khi Nghị định 37 ra đời, địa phương không có cơ sở để xác nhận đối với loại cá không đạt yêu cầu.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thông tin, việc các tàu cá nằm bờ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên.

Trước thực trạng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Văn bản số 3116 về việc kiến nghị sửa đổi một số nội dung của Nghị định 37.

Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét, căn cứ đặc điểm sinh học của loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác để rà soát, xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên.

Tỉnh Bình Định hiện có 6.242 tàu cá được đăng ký với hơn 40.000 lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản; trong đó, nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu với hơn 7.500 lao động.

Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh hằng năm đạt trên 270.000 tấn; trong đó, sản lượng cá ngừ các loại trên 55.000 tấn (cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn, còn lại chủ yếu là cá ngừ vằn và một số ít loài cá ngừ khác)./.