Bình dị hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Cà Mau
Từ tình cảm đơn sơ, bình dị của người dân Cà Mau, tục thờ di ảnh Bác Hồ, tổ chức mâm cơm ấm cúng dâng Bác nhân ngày sinh, ngày mất của Người diễn ra một cách tự nhiên trong nhiều gia đình tại đây.
Dù người dân nơi vùng cực Nam Tổ quốc chưa một lần được đón Bác vào thăm, nhưng lòng kính yêu, tưởng nhớ về Bác vẫn luôn rất chân thực, mộc mạc.
Từ tình cảm đơn sơ, bình dị đó, tục thờ di ảnh Bác, tổ chức mâm cơm ấm cúng dâng Bác Hồ nhân ngày sinh, ngày mất của Người diễn ra một cách tự nhiên trong nhiều gia đình tại đây.
Mâm cơm nhớ Bác
Gần 40 năm qua, mỗi khi đến ngày sinh, ngày mất của Bác Hồ, bà Trương Thị Tuyết, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, lại cùng các thành viên trong Hội Cựu chiến binh tất bật chuẩn bị mâm cơm dâng Người.
Không ai bảo ai, vào ngày này, người có cá đem cá, rau đem rau, tất cả đều là sản vật quê hương. Bằng tất cả tấm lòng, mỗi người cùng góp sức hoàn thành mâm cơm.
Bà Trương Thị Tuyết ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, cho biết tục lập bàn thờ Bác là truyền thống của nhiều gia đình. Mỗi lần nấu cơm dâng lên Bác cũng là dịp để người dân tụ họp, cùng nhau kể lại những câu chuyện về Bác. Mọi người cùng động viên nhau ra sức lao động, học tập theo gương Bác và giáo dục cho các thế hệ con cháu tiếp tục duy trì truyền thống.
Những ngày tháng Năm, tâm khảm mỗi người dân cả nước, trong đó có người Cà Mau đều hướng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Ông Cao Trung Tính, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chia sẻ mâm cơm cúng Bác không chỉ thể hiện niềm yêu kính vô hạn dành cho Người mà còn là dịp để cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân soi rọi lại bản thân, tự nhủ lòng sống sao cho trọn vẹn, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Bác. Từ đó, mọi người ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Theo ông Đinh Ngọc Doanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàng Vịnh, để duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này, Hội Cựu chiến binh xã đã phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống về tình yêu nước, tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở nơi đây.
Tự răn mình hướng theo lẽ phải
Cà Mau có 23 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ nằm tại một số địa phương. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thành kính của nhân dân dành cho Bác. Ngoài việc thờ cúng ở đền thờ, phủ thờ, người dân còn lập bàn thờ Bác Hồ tại gia đình.
Trong ngôi nhà khang trang được xây dựng cách đây 7 năm, ông Võ Văn Tương, ngụ tại khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, đang tỉ mẩn lau chùi bàn thờ Bác. Ông Tương kể, gia đình luôn bố trí nơi trang nghiêm nhất để thờ di ảnh Bác và thắp nhang quanh năm. “Người dân đều biết Bác giản dị, gần gũi. Do vậy, việc lập bàn thờ Bác tại nhà không phải cầu kỳ, chỉ cần trang nghiêm, thành kính. Trong những dịp kỷ niệm, gia đình đều dâng lên Bác những món ăn dân dã quê hương, không xa hoa, lãng phí,” ông Tương cho hay.
Cách nhà ông Tương không xa, bà Thái Thị Loán cho biết đến nay đã là năm thứ 8 gia đình lập bàn thờ Bác trong nhà. Suốt những năm qua, dù gia đình có bận rộn đến mấy thì việc dâng hương lên bàn thờ vào mỗi buổi chiều đã là thói quen của các thành viên trong gia đình. “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, thờ Bác Hồ cũng như thờ cúng ông bà trong nhà, mỗi khi nhìn thấy sẽ tự răn mình mà hướng theo lẽ phải,” bà Loán chia sẻ.
Năm 1980, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cùng chồng từ miền Bắc vào Cà Mau để dạy học. Sau đó, gia đình đến thị trấn Trần Văn Thời để ổn định cuộc sống. Trong khoảng thời gian thuê nhà của một người dân địa phương, bà đã thấy chủ nhà đặt bàn thờ Tổ quốc với ảnh Bác trang nghiêm trong nhà. Xúc động trước việc làm đó, khi vợ chồng bà xây được căn nhà riêng, gia đình bà đã chọn một nơi trang trọng để thờ ảnh Bác.
“Thờ phụng ảnh Bác trong nhà không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ trong gia đình mà còn hướng đến việc sống tử tế, sống có ích để cùng chung tay đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Mỗi dịp đón Tết, trên bàn thờ Tổ quốc của gia đình không thể thiếu nhánh mai vàng và cặp dưa hấu đỏ. Đây biểu tượng của mùa Xuân phương Nam, thể hiện thành kính tấm lòng những người con nơi đây vẫn ngày đêm kính yêu Bác," bà Minh chia sẻ.
Đối với người dân vùng cực Nam Tổ quốc, bàn thờ Bác gắn với tình cảm, sự tôn kính dành cho Bác. Hiện nay, “pháo đài niềm tin” đó càng được xây dựng vững chắc trong lòng nhân dân hơn khi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành “kim chỉ nam” để từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu suốt đời.
Ông Phan Thanh Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Trần Văn Thời chia sẻ, trong tâm mỗi người dân cả nước nói chung và người dân Cà Mau nói riêng đều hướng về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Việc lập bàn thờ Bác Hồ tại nhà không chỉ là cách dạy dỗ con cháu nhớ đến truyền thống hào hùng của dân tộc, nhớ ơn những vị anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến cho dân, cho nước, mà còn nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân luôn phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống cách mạng của đất nước, quê hương, với Bác Hồ kính yêu.
Bác Hồ trong lòng nhân dân Cà Mau bình dị và chân phương. Bác chính là biểu tượng của niềm tin son sắt, là tình yêu quê hương đất nước lớn lao.
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), trên mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, những người con Cà Mau với nhiều cách bày tỏ khác nhau nhưng đều nguyện một lòng đoàn kết, kế thừa những di sản quý báu mà Người để lại. Những suy nghĩ, hành động đó góp phần phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang, để người dân phấn đấu xây dựng quê hương Cà Mau ngày thêm giàu đẹp./.