Biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2020

Sáng 15/6, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, sáng 15/6, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 11 chương, 64 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), bao gồm: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định  điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; Chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

[Thông qua Nghị quyết lập đoàn giám sát về sử dụng nguồn lực chống dịch]

Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định quan điểm sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo quy định về những nội dung chủ yếu sau: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện; Nhóm vấn đề về cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)