BIDC - Cầu nối kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Campuchia và Việt Nam
Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, BIDC có tổng vốn đăng ký 100 triệu USD, tổng tài sản đạt 924 triệu USD, mở rộng mạng lưới giao dịch của mình thêm 7 chi nhánh ở Campuchia và 2 chi nhánh ở Việt Nam.
Tối 6/9, tại thủ đô Phnom Penh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) - đơn vị thành viên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Campuchia - đã tổ chức lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Quốc vương Campuchia và kỷ niệm 15 năm thành lập (2009-2024).
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tham dự buổi lễ có Samdech Men Sam An - thành viên Hội đồng cố vấn tối cao Quốc vương Campuchia, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương của Campuchia; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng; cùng đông đảo khách hàng và đối tác.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BIDC Lâm Văn Hải cho biết ngày 1/9/2009, BIDC chính thức đi vào hoạt động, trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đầu tư tại Campuchia và ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng tại "Đất nước Chùa Tháp."
Tổng Giám đốc Lâm Văn Hải nêu rõ sau 15 năm nỗ lực và trưởng thành, đến nay BIDC đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và hiệu quả hoạt động, trở thành ngân hàng thương mại có quy mô lớn tại Campuchia, với tổng tài sản đạt trên 920 triệu USD, tăng bình quân 13%/năm; dư nợ tín dụng đạt 650 triệu USD, tăng bình quân 17%/năm; huy động vốn đạt gần 600 triệu USD, tăng bình quân 15%/năm...
Từ nguồn vốn và dịch vụ của BIDC, nhiều dự án trọng điểm tại Campuchia được triển khai hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hiện đại hóa đô thị, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để người dân Campuchia an cư lạc nghiệp, mua sắm tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Tổng Giám đốc Lâm Văn Hải, BIDC cũng giữ vai trò quan trọng trong kết nối thanh toán giữa thị trường Campuchia với Việt Nam cùng các nước với đa dạng các kênh thanh toán như SWIFT, Inpay, Internet banking, mobile banking...
Những nỗ lực của BIDC đóng góp tích cực cho thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia, hiện đạt khoảng 10 tỷ USD/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có giao dịch thương mại hàng đầu với Campuchia. Đồng thời, góp phần khơi thông dòng vốn, thúc đẩy hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia, hiện vốn đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, thuộc top 5 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Campuchia.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDC Lê Kim Hòa cho biết 15 năm trước, BIDC được thành lập với sứ mệnh đặc biệt là định chế tài chính kết nối thị trường Campuchia-Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch song phương lên một tầm cao mới theo định hướng của chính phủ hai nước.
Thực hiện sứ mệnh đó, trong suốt chặng đường 15 năm trưởng thành, BIDC đã luôn bám sát và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau hành trình 15 năm, BIDC đã khẳng định được vai trò là định chế tài chính cung cấp toàn diện các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Campuchia. Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Kim Hòa khẳng định BIDC sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được trên hành trình 15 năm trưởng thành để tiếp tục nỗ lực nhằm hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả; khẳng định vị thế là ngân hàng lớn tại thị trường Campuchia, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế-xã hội của "Đất nước Chùa Tháp," góp phần vun đắp mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Campuchia phát triển lên một tầm cao mới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Sum Sannisith - Phó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Campuchia - khẳng định sự hiện diện của BIDC tại Vương quốc Campuchia trong 15 năm qua thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư Việt Nam đối với lĩnh vực ngân hàng ở Campuchia và gắn kết thị trường tài chính giữa hai quốc gia, thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác của các doanh nghiệp ở thị trường hai nước.
Theo ông Sum Sannisith, BIDC đã trưởng thành và phát triển thành công, thể hiện thông qua việc mở rộng hợp tác thương mại, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới và tăng cường năng lực, chất lượng nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính.
Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, BIDC có tổng vốn đăng ký 100 triệu USD, tổng tài sản đạt 924 triệu USD, mở rộng mạng lưới giao dịch của mình thêm 7 chi nhánh ở Campuchia và 2 chi nhánh ở Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam Men Sam An nhận định trong 15 năm hoạt động, BIDC đã hội nhập và xây dựng tên tuổi vững mạnh tại thị trường Campuchia, tổ chức hoạt động kinh doanh ổn định, tăng thị phần và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của Campuchia.
Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, BIDC luôn quan tâm hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, y tế, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn như xây dựng trường học, cấp học bổng cho sinh viên, hỗ trợ người dân gặp thiên tai, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, người dân vùng sâu vùng xa...
Những thành quả đó cho thấy tinh thần kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia, cũng như góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân Campuchia.
Theo bà Men Sam An, kể từ khi BIDC và các chi nhánh của BIDV thành lập ở Campuchia, hoạt động đầu tư của các công ty Việt Nam tại Campuchia liên tục tăng lên.
Khẳng định BIDC đã thể hiện sự năng động và trách nhiệm trong việc kết nối kinh doanh, nâng cao hoạt động đầu tư và phát triển quan hệ giữa hai quốc gia thông qua hoạt động kinh doanh, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, bà Men Sam An đề nghị BIDV, BIDC duy trì vai trò tiên phong của một trong những doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn kinh doanh tại Campuchia, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, hệ thống BIDC tiếp nối niềm tự hào khi được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trao tặng Huân chương Monisaraphon hạng Mohesana, huân chương cao quý nhất của Hoàng gia Campuchia.
Đồng thời, Quốc vương Campuchia cũng tặng thưởng Huân chương Sowathara hạng Mohesana - Huân chương cao quý nhất vì những đóng góp thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế tại Campuchia cho 3 lãnh đạo BIDV và Huân chương Monisaraphon cho Tổng Giám đốc BIDC.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, BIDC đã chính thức công bố điều chỉnh nhận diện thương hiệu. Theo đó, ngân hàng vẫn giữ nguyên tên đầy đủ là “Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia,” tên viết tắt là “BIDCBank,” phần biểu tượng là hình kiến trúc tháp đặc trưng của Campuchia, tượng trưng cho sự hòa nhập, kết nối và sự cam kết bền vững của BIDC tại Vương quốc Campuchia./.