Bí quyết giữ chân lao động của doanh nghiệp ngành giao thông
Các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải đưa ra nhiều chiến lược nhằm giữ chân người lao động để có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trìnhtrên cả nước.
“Trên công trường của các dự án Cao tốc Bắc-Nam, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày/đêm, phát huy tinh thần ‘đi trước mở đường,’ vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động; sự nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, Tết đoàn viên để bám máy, bám công trường thi công không ngơi nghỉ. Lịch sử sẽ không quên những vất vả, hy sinh của những người mở đường,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ về tinh thần, khí thế làm việc của công nhân tại các công trường với quyết tâm “chỉ bàn tiến, không bàn lùi.”
Để có được tinh thần và quyết tâm như ông Thắng nói, các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải đưa ra nhiều chiến lược nhằm giữ chân người lao động để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trên cả nước.
Nơi ăn, chốn ở đảm bảo
Tại công trường Gói thầu XL01 Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Chí Thạnh-Vân Phong, trụ sở Ban điều hành của Tập đoàn Đèo Cả được thiết kế, đầu tư trang thiết bị khang trang và hiện đại từ văn phòng làm việc, phòng họp đến bếp ăn, phòng ở. Gần đó, Tập đoàn Đèo Cả bố trí một sân bóng mini và khu tiểu cảnh thư giãn để công nhân có thể tranh thủ rèn luyện sức khỏe hoặc lấy lại tinh thần sau ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng.
Ông Trương Công Đạt, Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL01 cho biết tổng chi phí đầu tư cho khu lán trại, văn phòng là hơn 8 tỷ đồng. Phòng của cán bộ công nhân viên lao động được thiết kế khép kín, lắp đặt bình nóng lạnh, điều hoà, quạt,… nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Có thâm niên 25 năm gắn bó với ngành xây dựng, giao thông, anh Đỗ Ngọc Kiên, Ca trưởng phụ trách thi công máy cơ cửa Hầm Tuy An (Gói thầu XL01 Dự án Cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong) của nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả hiện đang quản lý 30 người lao động cho biết điều yên tâm nhất ở đơn vị công tác hiện tại là nơi ăn, chốn ở.
“Nếu như thời gian trước kia, nhà ở công trường thường là những lán trại được dựng tạm và điều kiện sinh hoạt rất vất vả, thiếu thốn như nắng thì nóng, mưa thì dột, những ngày có gió mạnh là thông thốc lùa vào bên trong chỗ ngủ. Hiện nay, khu ăn nghỉ của công nhân lao động đã được cải thiện chất lượng và đảm bảo sức khỏe, tinh thần làm việc,” anh Kiên chia sẻ.
Theo anh Kiên, bản thân người lao động gắn bó với doanh nghiệp thì yếu tố kiên quyết đầu tiên là về vấn đề lương, thưởng và đời sống sinh hoạt. Tại Đèo Cả, các kỹ sư hay công nhân chưa bao giờ bị chậm lương, chậm thưởng hay thiệt thòi về chế độ đãi ngộ.
Từng tham gia thi công nhiều hầm như Cù Mông, Cổ Mã, anh Bùi Hồng Vận, Tổ trưởng Tổ khoan thi công Hầm Tuy An cho rằng công việc tại Tập đoàn Đèo Cả luôn đều đặn, làm không hết việc.
“Đặc thù công nhân giao thông là liên tục làm xa gia đình. Do đó, Tập đoàn Đèo Cả rất chú trọng trong việc động viên tinh thần người lao động như dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã sắp xếp xe đưa đón về tận nhà. Người lao động được đóng bảo hiểm, công việc được chi trả lương xứng đáng và đúng ngày, đơn vị cũng thưởng cho công nhân xuất sắc trong thi công. Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng với 3 bữa trong ngày. Những công nhân làm thời gian tối sẽ có thêm suất ăn đêm để có sức khỏe làm việc. Do vậy, nhiều lao động muốn gắn bó lâu dài với tập đoàn,” anh Vận chia sẻ.
Văn hóa “không bao giờ nợ hay chậm lương”
Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các dự án giao thông trải dài trên mọi miền đất nước được kích hoạt đầu tư, gấp rút tiến độ, do đó, các doanh nghiệp giao thông có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao bằng các chế độ đãi ngộ.
Là một trong số ít những doanh nghiệp giao thông trong nước dám mạnh tay chiêu mộ nhiều chuyên gia, kỹ sư giỏi nước ngoài về làm việc với mức lương "khủng," theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, nhiều năm qua, tình trạng nợ lương là điều chưa từng xảy ra đối với 7.377 lao động của đơn vị tính đến hết năm 2023.
“Ngay cả những lúc khó khăn nhất, thay vì để người lao động tạm nghỉ, cắt giảm lương, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động khắc phục, bố trí công việc phù hợp bên cạnh việc dự phòng các quỹ tài chính để doanh nghiệp quản trị rủi ro. Chế độ trả lương của Tập đoàn đã hình thành một văn hoá không bao giờ nợ hay chậm lương," ông Nam quả quyết.
Với khối lượng công việc tiếp tục tăng xấp xỉ 30% so với năm trước đó đến từ các dự án mới như: Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương,… ông Nam tiết lộ dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động tại Tập đoàn trong năm nay lên đến hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.
Xác định con người và văn hoá là những thứ không thể vay mượn mà tự doanh nghiệp phải tự xây dựng và phát triển, ông Nam cho rằng các hoạt động đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận tri thức mới và vận dụng vào thực tiễn công việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chung quan điểm, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) cho hay việc triển khai các dự án giao thông sôi động trở lại, các doanh nghiệp giao thông có chính sách thu hút lao động chất lượng cao, nhiều người lại quay trở về làm công việc cũ.
“Các dự án thi công đường cao tốc đòi hỏi tiến độ gấp rút, nhiều hạng mục lớn, kỹ thuật phức tạp, cho nên nguồn nhân lực lao động chất lượng cao là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của doanh nghiệp thi công. Muốn làm được điều này, các chế độ đãi ngộ về lương, thưởng và động viên tinh thần người lao động mỗi doanh nghiệp cần đặt sự quan tâm lên hàng đầu,” lãnh đạo Phương Thành Tranconsin nhấn mạnh./.