'Bếp ăn 0 đồng' gửi yêu thương đến bà con vùng ngập lụt ở Hà Nam
Giáo viên Trường Mầm non xã Thanh Nghị ở Thanh Liêm, Hà Nam phối hợp với các lực lượng chức năng nấu từ 300-350 suất/ngày, phát đến tận tay người dân trong vùng lũ.
Sau nhiều ngày nước lũ dâng cao, nhiều vùng bị ảnh hưởng, các hộ dân bị ngập sâu trong nước. Mất điện, thiếu nước sạch khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, vì vậy, nhiều tổ chức, đoàn thể đã thực hiện chương trình “bếp ăn 0 đồng," nấu những suất cơm đủ chất dinh dưỡng, trao tận tay cho người dân trong vùng lũ.
Xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm là một trong những địa phương của tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ với hơn 1.500 hộ dân bị ngập; các công trình (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…) đều bị ngập lụt.
Chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng di dời 140 hộ cùng nhiều tài sản đến nơi an toàn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình phải ở lại trong hoàn cảnh không có điện, không có nước sạch với bốn bề nước lũ.
Thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn của những người dân trong vùng ngập lụt, các cô giáo Trường Mầm non xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) cùng các nhà hảo tâm đã phát động chương trình "bếp ăn 0 đồng."
Cô Minh Trang, giáo viên nhà trường, cho biết ngập lụt khiến đời sống người dân khu vực bị đảo lộn, người dân cũng không có điều kiện để nấu ăn vì vậy, công đoàn nhà trường đã phát động chương trình "bếp ăn 0 đồng" tới toàn thể giáo viên. Ngoài đóng góp lương thực, thực phẩm, 100% giáo viên tham gia nấu ăn và mang đi phát cho các hộ dân.
Nhà trường phối hợp với các lực lượng chức năng như quân đội, đoàn thanh niên, cán bộ xã, tình nguyện viên... nấu từ 300-350 suất/ngày, phát đến tận tay người dân trong vùng lũ.
Để việc nấu ăn đảm bảo đủ số lượng không quá thừa khi đi phát sẽ gây lãng phí, cô Trang chia sẻ nhà trường đã liên hệ với lực lượng địa phương từ thôn, xóm và qua kênh Ủy ban Nhân dân xã để nắm bắt số lượng nhân dân còn ở trong vùng ngập lụt để thống kê quân số.
Ngoài ra, nhà trường liên hệ qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) của lớp học thăm hỏi các gia đình giáo viên, qua đó nắm thêm thông tin; vì thế, hằng ngày các suất ăn đều được nấu đủ. Có rất nhiều cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm muốn ủng hộ kinh phí, nhà trường đang tính toán, căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện chương trình.
Hình ảnh những giáo viên, lực lượng chức năng lội nước, đẩy thuyền chở những suất cơm đi từng ngõ, đến từng nhà để gửi cho người dân đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bà con vùng ngập lụt xã Thanh Nghị.
Gia đình ông Trần Minh bị ngập sâu hơn 1m, trẻ nhỏ và người già đã được di dời đến nơi an toàn nhưng ông và vợ ở lại để canh nhà và gia súc. Cả gia đình không có điện nấu ăn, không còn nước để pha mỳ tôm nên chỉ mong chờ được những suất cơm đưa đến.
Ông Minh xúc động nói chia sẻ: "Năm nay, tôi đã hơn 65 tuổi, lần đầu tiên mới chứng kiến mưa lụt cao như thế này nên gia đình trở tay không kịp. Cuộc sống gần như đảo lộn hoàn toàn, vì thế khi nhận những suất ăn phát đến có đầy đủ rau, thịt, cá, trứng từ các nhà hảo tâm, tôi cảm thấy rất ấm lòng."
Tại thôn Đồng Tân, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng có gần 300 hộ bị ảnh hưởng ngập sâu trong lũ, có những gia đình đã ngập cao hơn 1m. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề nên từ khi ngập lụt, các nhà hảo tâm đã liên hệ với địa phương đi cấp phát nước sạch, bánh mỳ và các đồ ăn nhanh cho mọi người.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương - Bí thư kiêm trưởng thôn Đồng Tân, cho hay ngoài việc phát những nhu yếu phẩm cần thiết như nước sạch, sữa, mỳ tôm, khoảng 2-3 hôm nay, các đơn vị đã liên hệ với thôn để đi phát cơm cho mọi người. Hằng ngày, có khoảng 1.000 suất ăn với đầy đủ dinh dưỡng cá, thịt…, được đóng gói sạch sẽ để phát cho người dân. Những hộ nào còn tự nấu ăn được sẽ được cấp lương thực tươi sống như thịt, rau… để tự chế biến.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, tính đến sáng 14/9, toàn tỉnh đã di dời hơn 3.430 hộ/tổng số hơn 16.000 hộ cần di dời đến nơi an toàn.
Tại các địa điểm sơ tán, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các hộ dân song tại các vùng ngập lụt còn rất nhiều người dân vẫn còn cố trụ lại và cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, chương trình “bếp ăn 0 đồng” ở xã Thanh Nghị, xã Tân Sơn… đã góp phần chia sẻ khó khăn của người dân trong vùng ngập lụt, mang ý nghĩa nhân văn "lá lành đùm lá rách,” giúp người dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai, ổn định cuộc sống sau khi nước rút./.