Bến Tre: 3 người tử vong, 4 người nhập viện do ngộ độc rượu

Ngày 16/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre thông tin về hai vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri) vào cuối tháng 7.

Nhiều bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thành phố Hồ Chí Minh tiên lượng nặng. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Ngày 16/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre thông tin về hai vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri) vào cuối tháng 7.

Cụ thể, qua điều tra, lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng Methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn theo TCVN 7043:2013 (Hàm lượng Methanol trong rượu quy định là không được lớn hơn 2000mg trên 1 lít rượu tính theo độ rượu Etanol 100 độ).

Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, mẫu rượu gây ngộ độc làm 3 người tử vong có chỉ tiêu hàm lượng Methanol là 10.714.286 mg/l Etanol 100 độ, cao hơn gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép (so với tiêu chuẩn  ≤ 2000 mg/l Etanol 100 độ)

Bác sỹ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho rằng lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có thể gây nghiện, làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức, ảnh hưởng về tim mạch…

[Cảnh báo nguy hiểm chết người từ rượu pha cồn công nghiệp]

Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia có thể gây ra tai nạn giao thông, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội... Trường hợp uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính; uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính.

Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép gây ngộ độc cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong.

Uống rượu quá nồng độ cho phép hoặc uống rượu không rõ nguồn gốc, lạm dụng rượu dễ gây ra ngộ độc rượu cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh.

Bác sỹ Ngô Văn Tán khuyến cáo, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, mọi người nên hạn chế uống rượu (tốt nhất không nên uống), nếu có uống rượu thì nên chọn loại rượu bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống ít; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, không được uống rượu khi đang đói, mệt nhọc hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống rượu, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Trước đó, vào sáng 29/7, ông V.V.D (sinh năm 1972) ở ấp An Điền Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tổ chức nhậu tại nhà cùng hai người bạn là N.V.N (sinh năm 1972), T.V.T (sinh năm 1968) trú tại cùng địa phương.

Đến 21 giờ cùng ngày, ông N.V.N có biểu hiện đau ngực khó thở được gia đình đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, ông T.V.T cũng có biểu hiện tương tự và tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Trong một trường hợp khác tại cùng địa phương, ông L.M.T được phát hiện tử vong tại nhà vào ngày 30/7.

Qua xác minh, tối 29/7, ông L.M.T có nhậu với 3 bạn là T.Q.C, N.V.T, T.C.L, trú tại cùng xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng Methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Như vậy, đã có 3 người chết, 4 trường hợp còn lại có biểu hiện ngộ độc rượu được đưa đi cấp cứu và đã về nhà, trong đó có một người bị mù do ngộ độc rượu./.

(TTXVN/Vietnam+)