Bất ổn chính trị ở Pháp có thể kéo đồng euro lao dốc
Chuyên gia nhận định thị trường đang bước vào một giai đoạn bất ổn kéo dài liên quan đến chính trị Pháp. Điều này có thể được coi là một trở ngại đối với đồng euro.
Đồng euro đang đối mặt với thêm nhiều khó khăn sau khi Chính phủ Pháp sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Các nhà giao dịch đang cân nhắc con đường phía trước cho đồng tiền chung châu Âu này sau khi tranh chấp về ngân sách năm 2025 đã dẫn đến việc lãnh đạo phe đối lập bà Marine Le Pen và một liên minh cánh tả bỏ phiếu chống lại chính quyền của Thủ tướng Michel Barnier hôm 4/12.
Chiến lược gia tiền tệ Skylar Montgomery Koning tại Barclays Plc ở New York, nhận định thị trường đang bước vào một giai đoạn bất ổn kéo dài liên quan đến chính trị Pháp. Điều này có thể được coi là một trở ngại đối với đồng euro.
Các nhà đầu tư phần lớn đã dự đoán được kết quả trước đó, và trái phiếu kỳ hạn của Pháp vẫn giữ được đà tăng sau cuộc bỏ phiếu, diễn ra sau khi phiên giao dịch thường lệ đóng cửa.
Đồng euro dao động quanh mức 1,05 USD đổi 1 euro vào lúc 5 giờ chiều theo giờ New York, trong khi mức độ biến động qua đêm vẫn ở mức thấp.
Mặc dù kết quả cuộc bỏ phiếu đã được dự đoán trước, nhưng nó đã đặt nước Pháp vào thế khó và cản trở những nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách, dự kiến sẽ tăng lên hơn 6% GDP trong năm nay, cao gấp hai lần giới hạn theo quy định của Liên minh châu Âu.
Điều này cũng đe dọa gây áp lực lên đồng tiền chung châu Âu ngay khi thị trường dự đoán sẽ có đợt nới lỏng tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế của khối.
Nhà quản lý danh mục đầu tư Bill Campbell tại DoubleLine Capital, cho hay những diễn biến gần đây ở Pháp không chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn cho quốc gia này, mà còn cả Liên minh châu Âu.
Tình hình bất ổn chính trị tại Pháp bắt đầu “nổi sóng” kể từ hồi tháng 6/2024 khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử lập pháp sớm, dẫn đến một quốc hội “treo,” nghĩa là tình trạng không có đảng nào giành được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Kể từ đó, đồng euro đã giảm khoảng 2,7% so với đồng USD, hoạt động kém hiệu quả hơn một số đồng tiền trong nhóm G10.
Chi phí vay của Pháp so với Đức cũng đã tăng vọt, chạm mức 90 điểm cơ bản vào tuần trước, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ công Khu vực đồng euro.
Chiến lược gia tiền tệ Shaun Osborne tại Scotiabank nhận định cuộc bỏ phiếu có thể đồng nghĩa với việc “sẽ phải có thêm những nhượng bộ để ngân sách được thông qua, do đó sẽ dẫn đến sự suy yếu trong các thiết lập chính sách tài khóa chung. Nếu tình hình này trở nên căng thẳng hơn, đồng euro có thể chịu áp lực hơn nữa do thời hạn thông qua ngân sách.
Mặc dù biến động giá hôm 4/12 ở mức thấp và thị trường trái phiếu đã ổn định trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, song một số nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho những khoản lỗ tiếp theo.
Dự luật ban đầu do chính phủ của ông Barnier trình bày bao gồm 60 tỷ euro (63 tỷ USD) tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, nhằm điều chỉnh mạnh thâm hụt ngân sách xuống còn 5% GDP vào năm 2025.
Vào tuần trước, ông Barnier đã cảnh báo về một “cơn bão” trên thị trường tài chính nếu ông bị cách chức. Mặc dù đã có những nhượng bộ về ngân sách, nhưng Đảng Tập hợp Quốc gia và liên minh cánh tả đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tổng thống Macron giờ đây có thể bổ nhiệm một thủ tướng mới, mặc dù không có thời hạn theo hiến pháp cho quyết định của ông.
Trước đó, ông đã nói rằng ông sẽ không từ chức cho đến khi hết nhiệm kỳ.
Theo các cuộc thăm dò, cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2027 và bà Le Pen vẫn là ứng cử viên hàng đầu./.