Bất động sản hút 18,8% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới

Trong tổng số 38,23 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, vốn đăng ký cấp mới cho kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới, xếp vị trí thứ 2.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD.

Trong số đó, vốn đăng ký cấp mới cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới, xếp vị trí thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đó là Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1%.

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2% và tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đánh giá về khả năng thu hút cũng như “hấp thụ” nguồn vốn FDI trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, cho rằng phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trên thị trường, với giá thuê, nguồn cung tăng và tỷ lệ lấp đầy cao. Động lực chính cho sự phát triển này đến từ dòng vốn FDI vào các ngành sản xuất.

“Trong ngắn hạn, các biến động kinh tế, thương mại và địa-chính trị do tác động từ các chính sách của tân Tổng thống Donald Trump có thể gây sức ép tức thời lên việc thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Nhưng về dài hạn, Việt Nam, với các lợi thế về vị trí địa lý, sự ổn định chính trị tương đối, chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày một cải thiện, có thể trở thành cứ điểm sản xuất tiếp theo trên toàn cầu nếu nắm bắt kịp thời cơ,” ông David Jackson phân tích.

Khu biệt thự bên sông Tiền, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ghi nhận của Avison Young Việt Nam cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn tích cực và họ tiếp tục rót vốn vào các dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép tại đây. Điều này được chứng minh qua con số 25,35 tỷ USD tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cả năm 2024, tăng hơn 9% so với năm trước; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản. Điều này đã khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông David Jackson, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam mà họ còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội, nhận xét có một số phân khúc được các nhà đầu tư ngoại chú ý. Điển hình như phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Phân khúc bất động sản thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Lê Dung cho rằng hiện nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn do tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư cũng rất đa dạng, sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.

Đặc biệt nhà đầu tư chú trọng đến những dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Vấn đề pháp lý vẫn là ưu tiên được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ./.