Bất an với thực phẩm đường phố nhìn từ vụ ngộ độc bánh mỳ ở Đồng Nai
Sau khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng người nhập viện lên đến hàng trăm người, có thể thấy khoảng trống lớn trong việc quản lý thức ăn đường phố.
Theo khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), có khoảng 2,5 tỷ người ăn thức ăn đường phố mỗi ngày.
Tại Việt Nam, thức ăn đường phố hiện diện ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ những cửa hàng kinh doanh cố định đến những "cửa hàng di động" bằng xe đẩy, quang gánh… Tiện lợi, nhanh chóng, giá rẻ và đa dạng là những ưu điểm của thức ăn đường phố.
Thế nhưng, sau khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng người nhập viện lên đến hàng trăm người như ở Đồng Nai hay Quảng Nam vừa qua, có thể thấy khoảng trống trong việc quản lý đối với loại thực phẩm vô cùng phổ biến như thức ăn đường phố.
Tiệm bánh mỳ Cô Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mỳ mỗi ngày. Ngày 30/4/2024, tiệm bánh mỳ này bán ra khoảng 1.100 ổ bánh mỳ cho người dân.
Những ngày sau đó, có hàng trăm người nhập viện. Đến thời điểm hiện nay, có tổng cộng 568 bệnh nhân phải đến cơ sở y tế cấp cứu, nhiều người vẫn đang trong tình trạng rất nặng, phải lọc máu.
Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mỳ Cô Băng khi vụ ngộ độc xảy ra, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện có 4/8 mẫu thực phẩm gồm patê, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có vi khuẩn Salmonella.
Cơ quan y tế cũng đã phát hiện 16/29 mẫu bệnh phẩm dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli. Sở Y tế Đồng Nai sau đó kết luận nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trên có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.
Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng kiểm tra cho thấy tiệm bánh mỳ Cô Băng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mỳ nhưng đều không có giấy khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Long Khánh, tiệm bánh mỳ Cô Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với ngành y tế Đồng Nai sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) viện dẫn Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm, cho rằng cơ sở bánh mỳ có chế biến thức ăn, như chế biến patê tại nhà, thuộc diện cơ sở sản xuất thực phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký kinh doanh, nhân viên phải khám sức khỏe và phải được tập huấn.
Ông Nguyễn Hùng Long đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần siết chặt công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế Đồng Nai và Ủy ban Nhân dân thành phố Long Khánh ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ngành chức năng sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 đang được các bộ, ngành, địa phương phát động (từ ngày 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới."
Ngoài công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các đơn vị, địa phương lập các đoàn kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm.
Thức ăn là yếu tố tác động trực tiếp và nhanh nhất đến sức khỏe của con người. Giới chuyên gia cho rằng để quản lý tốt thức ăn đường phố thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục.
Luật, nghị định, thông tư... cần quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với việc sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thức ăn đường phố; yêu cầu các cơ sở, cá nhân khi tham gia kinh doanh thực phẩm phải ký cam kết đối với vấn đề nguồn gốc, bảo quản, chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng," khi sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng bị đe dọa mới đi lấp khoảng trống quản lý./.