Bảo vệ thương hiệu: Ngăn chặn mối nguy 'bỏ tiền thật mua hàng giả'
Trước vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, doanh nghiệp đã đồng hành cùng lực lượng Quản lý Thị trường và các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, đồng hồ, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều bị làm giả.
Điều này cho thấy vi phạm sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến chi phí và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà bản thân người tiêu dùng khi sử dụng phải hàng giả cũng có thể gặp những nguy hại khó lường.
"Len lỏi” khắp các ngành hàng
Trưa ngày 6/10, Đội Quản lý Thị trường số 5 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Vĩnh Phúc) tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chỉ trong vài giờ, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn đôi tất chân được gắn các nhãn hiệu như: NIKE, LV (LOUIS VUITTON). Đáng chú ý, giá bán các sản phẩm này tại cửa hàng rẻ hơn nhiều so với hàng hóa chính hãng, trong khi Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Cũng liên quan tới hàng giả, ngày 12/10, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ gần 1.500 ống phóng pháo hoa với nhiều kích cỡ được đóng, đựng trong các hộp và giàn phóng, không có hóa đơn chứng từ, tại một căn hộ tầng 2, chung cư mini trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội.
[Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy]
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện chủ cơ sở này đang tập kết, kinh doanh pháo hoa giả mạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) có địa chỉ tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm như nước tắm trẻ em, khăn giấy, sữa bột, kể cả phụ tùng xe máy như má phanh, dây phanh, dầu xe máy, kể cả xe lắp ráp gắn mác Honda cũng liên tục bị lực lượng chức năng phối hợp với chủ sở hữu thu giữ tại nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi Sở hữu Trí tuệ của Honda Việt Nam cho biết trước vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, doanh nghiệp đã đồng hành cùng lực lượng Quản lý Thị trường và các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo này.
Theo ông, trung bình mỗi năm, các sản phẩm phụ tùng làm giả nhãn hiệu Honda Việt Nam được phát hiện từ 200-300 vụ với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng giả; trong đó đã phát hiện nhiều sản phẩm dầu nhớt (do Honda sản xuất) được các gian thương thu gom vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó về thay thế bằng các sản phẩm không rõ chất lượng và đóng hộp để bán ra thị trường.
Với những mối nguy này, đại diện Công ty Honda Việt Nam chỉ ra rằng khi dùng phải hàng giả, hàng nhái do chất lượng không đảm bảo sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người sử dụng. Đơn cử, với sản phẩm má phanh, khi đối tượng đưa vào hàng giả cao su ốp vào các phanh đã qua sử dụng thì tính năng đảm bảo an toàn của phanh không còn nữa.
“Nếu đồng bào miền núi thường xuyên đi trên các cung đường núi dốc mà sử dụng phải các phanh giả này thì rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn, nguy hiểm cho tính mạng người dân,” ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi Sở hữu Trí tuệ Công ty Honda Việt Nam nói.
Tạo minh bạch cho thị trường
Có thể thấy, với sự trợ giúp của công nghệ, hàng giả ngày càng được làm tinh vi. Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, để dùng mắt thường rất khó nhận biết đâu là hàng chính hãng và hàng giả, do vậy, nếu không có sự phối hợp từ các nhãn hiệu hay chủ thể quyền thì công tác kiểm tra, phát hiện các sản phẩm vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Sự phối hợp là cần thiết, góp phần bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,” ông Trần Hữu Linh nói.
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ và thông báo với cơ quan chức năng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đấu tranh trước các hành vi sản xuất-kinh doanh các sản phẩm làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như cạnh tranh không lành mạnh đối với các sản phẩm của mình.
Điều này không những giúp cho các doanh nghiệp phát triển tốt, tạo động lực cho nền công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp phát triển mà còn làm tăng tính minh bạch của thị trường.
Trong năm 2023, ngoài hợp tác với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Nhà nước Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cũng hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn như: SCHOTT AG; Lego, P&G... để đẩy lùi hàng giả.
Theo bà Laure Catoire, Cố vấn viên cao cấp Chương trình Bảo vệ Thương hiệu của P&G tại châu Á-Thái Bình Dương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng chức năng cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, tiến hành xác minh và ngăn chặn nguồn hàng hóa ngay từ các đối tượng bán buôn hoặc cơ sở sản xuất để giải quyết triệt để vấn nạn này.
Đại diện P&G cũng đề xuất sự hợp tác chặt chẽ giữ ba bên, gồm: Cơ quan thực thi, các sàn Thương mại Điện tử và Chủ thể quyền nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và giải quyết được nguồn gốc hàng giả nhất là trên môi trường Internet…
Liên quan tới công tác Chống hàng giả, Bảo vệ Thương hiệu, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý Thị trường) cho hay thực hiện Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý Thị trường cố gắng từ nay đến năm 2025 thực hiện các mục tiêu đề ra trong đề án này, đó là tìm ra các giải pháp công nghệ mới để làm sao người tiêu dùng khi mua các sản phẩm tiêu dùng trên mạng sẽ được đảm bảo mua được hàng thật, với giá thật.
"Trên môi trường thương mại truyền thống, phấn đấu đến năm 2025 thì 100% cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại sẽ không bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ," ông Nguyễn Đức Lê thông tin thêm./.