Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số: Cần tăng mức xử phạt
Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí, là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí.
Một sản phẩm sáng tạo của phóng viên, nhà báo vừa đăng tải lên Internet có thể bị các trang mạng xã hội, thậm chí các cơ quan báo chí khác lấy lại, "xào nấu" thành của mình. Nhiều phóng viên ngồi ghế "salông" nhưng mỗi ngày có thể “sản xuất” 10-20 tin bài chỉ bằng việc vô cùng đơn giản là "copy" (sao chép), "paste" (dán), dẫn lại nội dung y hệt các sản phẩm của các báo khác.
Đó là thực tế đáng buồn mà Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nêu ra trong cuộc hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông Số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13/9, tại Hà Nội.
Muôn kiểu ‘hô biến’ của người thành của mình
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, thi thoảng trên mạng xã hội, những tác giả thật sự do quá bức xúc đã công bố tác phẩm gốc và nội dung vi phạm lên để "bóc phốt" kẻ trộm. Tòa soạn của những phóng viên "salông" đó được réo tên trên các diễn đàn khiến độc giả thất vọng, chán ngán, mất lòng tin.
Khảo sát thực trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tại Báo Tuổi Trẻ, một trong những tờ báo có lượng độc giả đông nhất cả nước, bà Hằng cho biết tin tức từ Báo Tuổi Trẻ bị sao chép rất nhiều. Các “thủ đoạn” phổ biến là copy từng phần, copy nội dung chính, copy tin tức và copy nguyên bài…
Chưa hết, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Báo Tuổi Trẻ diễn ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như hình ảnh được phóng to ra nhằm làm mất logo của chủ sở hữu, hình ảnh bị lật ngược chiều so với bản gốc ban đầu, sử dụng phần mềm làm thay đổi âm thanh gốc của video, lấy bản tin (text) trên Báo Tuổi Trẻ rồi đọc thoại lại (voice off) trên hình ảnh/video của mình, sử dụng thêm các hình ảnh, hình động, đè lên nội dung gốc nhằm “qua mặt” AI của hệ thống quét.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền báo chí là do Internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng, khiến cho việc kiểm soát sao chép và phân phối nội dung báo chí trở nên khó khăn hơn. Với sự xuất hiện của nhiều công cụ số, việc sao chép và tái sử dụng nội dung báo chí trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến. Trong khi đó, việc xác định nguồn gốc sản phẩm khá khó khăn hơn, bởi trên môi trường số, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần.
Quan trọng nhất là vẫn còn tình trạng một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo và những nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về bản quyền và có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý.
Bà Hằng cho rằng ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hoá và đạo đức của nhà báo và cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng.
Cùng chung nỗi lo, Tổng Biên tập Báo Hànội Mới Nguyễn Minh Đức cho biết hiện nay có khoảng 2.000 trang thông tin tổng hợp sao chép với tốc độ rất nhanh nội dung thông tin của các cơ quan báo chí.
“Điều nguy hiểm là đa số trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động. Việc sao chép, vi phạm bản quyền này khiến các cơ quan báo chí bị thiệt hại lớn, trong khi các trang này lại chỉ ngồi không, hưởng lợi từ các nguồn thu quảng cáo,” nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam cũng cho rằng bản quyền tác phẩm báo chí đang phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại.
“Không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị đánh cắp bản quyền trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước,” ông Lợi nói.
Ngoài ra, vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại “chảy” về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng vi phạm bản quyền nội dung số chính là một trong những thách thức lớn đối với chuyển đổi số báo chí.
“Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí, là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí,” nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.
Kiến nghị tăng mức phạt gấp 3-5 lần
Để bảo vệ quyền tác giả báo chí trên môi trường số, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tăng các mức xử phạt hành chính lên gấp 3, gấp 5 lần để có tính răn đe mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
[Cùng mở hướng đi - Mọi cơ quan báo chí sẽ trở thành Cơ quan Báo chí Số]
Theo Nghị định số 131/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Nghị định số 28/2017) thì hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm chỉ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng; hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Theo Nghị định 119/2020 của Chính phủ (quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản), trang thông tin điện tử tổng hợp đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Theo ông Hiển, mức xử phạt này là nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, ông Hiển cũng đề xuất thành lập Trung tâm Bảo vệ Bản quyền Báo chí. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp qua tố tụng toà án, quy định rõ hơn về bản quyền trong Luật Báo chí 2016 và bổ sung quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Đề xuất giải pháp, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng cần có bộ công cụ số để các quan báo chí nhận diện thương hiệu, làm nhãn bản quyền. Các cơ quan báo chí cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ bản quyền nội dung. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa cho nhà báo.
Trong khuôn khổ hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.”./.