Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số

Đối với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai thông qua các chính sách do Chính phủ ban hành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình làm rõ chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 5/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu có liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có phát triển lĩnh vực văn hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là một chủ trương lớn và có rất nhiều chính sách trong từng giai đoạn khác nhau về tổ chức thực hiện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Thị Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo tổng kết của Ủy ban Dân tộc, chính sách văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, trên các lĩnh vực như: việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục tập quán, hoạt động văn hóa nghệ thuật, xây dựng văn hóa phi vật thể, thiết chế văn hóa ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lễ hội, phong tục, tập quán, đến nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai thông qua các chính sách do Chính phủ ban hành.

Về xây dựng hệ thống bảo tàng để bảo tồn, gìn giữ, hiện có 3 bảo tàng cấp Trung ương, 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê và trưng bày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, trong đó có các dân tộc thiểu số nói riêng. Có 407 dự án sưu tầm, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa phi vật thể của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai; 145 Di sản Văn hóa Phi vật thể của dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia; 559 người dân tộc thiểu số được công nhận là nghệ nhân...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đã nêu 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong số đó có một nhóm nhiệm vụ giải pháp rất quan trọng là nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế cơ sở văn hóa cho từng vùng, từng địa phương và quan tâm tu sửa các công trình lịch sử văn hóa.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở để ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong tổng số 10 dự án có 1 dự án (Dự án 6) tập trung bảo tồn, phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo mục tiêu Dự án 6 đề ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết tính đến hết năm 2023, mục tiêu 80% số thôn có nhà văn hóa; 50% số thôn có các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, cơ bản đã đạt.

Như vậy, so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, cơ bản đã đạt về các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn này. Đó là sẽ bảo tồn 120 lễ hội của các dân tộc thiểu số trên phạm vi vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, bảo tồn 80 bản làng truyền thống để phục vụ bảo tồn phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch; ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng 20 mô hình văn hóa cấp thôn; xây dựng 800 câu lạc bộ và sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Bên cạnh đó là các chỉ tiêu hỗ trợ xây dựng 3.590 thiết chế văn hóa thể thao cấp thôn; 80 điểm đến du lịch tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một; tổ chức 320 lớp bồi dưỡng, tập huấn, truyền dạy về chuyên môn, nghiệp vụ và văn hóa phi vật thể, hướng dẫn xây dựng các bản làng văn hóa cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã được ban hành. Các địa phương đang tổ chức triển khai dự án này. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho rằng, nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương triển khai đầy đủ, giải ngân hết số vốn đã được bố trí sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu, mong muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc.

Đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về giải pháp để huy động nguồn vốn và các giải pháp về quản lý cũng như phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nghiêm túc và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành.

Trong năm 2025, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết toàn diện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có dự án về phát triển văn hóa; từ đó đề ra các giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2026-2030./.