Bảo tồn Di sản Văn hóa: Tránh tình trạng 'thay một viên ngói cũng phải xin phép'
Hiện nay, các thủ tục hành chính về phục hồi, tôn tạo, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị Di sản Văn hóa còn khó khăn, phức tạp, thiếu phân cấp, cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ.
Chiều 7/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, hoàn thiện Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng công tác quản lý Di sản Văn hóa đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương, do đó cần phân công, phân cấp triệt để. Trong khi đó, hiện nay, các thủ tục hành chính về phục hồi, tôn tạo, khai thác, sử dụng, phát huy giá trị Di sản Văn hóa còn khó khăn, phức tạp, thiếu phân cấp, cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Di sản Văn hóa phải giải quyết được các vướng mắc, tồn tại, bất cập trong hoạt động quản lý, bảo tồn, bảo vệ, tu bổ Di sản Văn hóa; đồng thời phát huy, truyền bá giá trị Di sản Văn hóa, tham gia đóng góp và phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, tiếp thu, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Di sản Văn hóa và các luật khác; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành văn hóa với các bộ, ngành liên quan; cơ chế tài chính, mô hình hợp tác công-tư trong tu bổ, tôn tạo, phục hồi, quản trị di tích, Di sản Văn hóa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ giới hạn, phạm vi, nội dung ủy quyền lập pháp đối với những vấn đề mới, chưa được đánh giá tác động trong lĩnh vực Di sản Văn hóa; quy định về điều kiện chuyển tiếp.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Chính phủ về nội dung ủy quyền lập pháp; phân cấp, phân quyền, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; quy định mua bán di vật, cổ vật, Bảo vật Quốc gia...
Cơ quan soạn thảo cũng làm rõ, rà soát, chỉnh lý quy định về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể có phạm vi từ 2 tỉnh trở lên; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa các dân tộc; đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viên các dân tộc Việt Nam, quy định sách giáo khoa chuẩn thống nhất sử dụng; chế độ, chính sách đối với Nghệ nhân dân gian chưa được phong tặng danh hiệu; bổ sung “Di sản Văn hóa thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải” thuộc sở hữu toàn dân…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc ban hành Luật Di sản Văn hóa không bó hẹp trong bảo vệ, bảo tồn mà cần phát huy giá trị Di sản Văn hóa, gắn với phát triển công nghiệp văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như: cấm kinh doanh Bảo vật Quốc gia; cấm xuất khẩu di vật, cổ vật; bảo vệ, phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia và Di sản Tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tái liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.
Bên cạnh đó, Bộ rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với các luật liên quan như dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát để bảo đảm sự đồng bộ, khả thi, thống nhất với các luật khác trong quá trình thực hiện; từ đó giải quyết những vấn đề cấp bách trong bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo Di sản Văn hóa, thay vì “ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích” chung chung.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... cũng thảo luận, góp ý về quy định sử dụng tư liệu là Di sản Văn hóa; đề xuất quy định cứng các trường dữ liệu trong cơ sở quốc gia về Di sản Văn hóa; làm rõ hỗ trợ tài chính, vật chất đối với nghệ nhân; phương thức hợp tác công-tư trong bảo vệ, bảo tồn, tu bổ di tích; đánh giá tác động của cơ chế chi ngân sách cho hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích...
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, thành phố Hà Nội bày tỏ đồng tình với quy định về cơ chế tài chính, phân cấp, phân quyền trong bảo vệ, bảo tồn, tu bổ các công trình, di sản cấp thiết, tránh tình trạng “thay một viên ngói cũng phải xin phép”./.